Skip to main content

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng*Đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại địch COVID-19 *

Chế độ ban đêm In trang Xuất PDF Đọc nội dung
-A A +A

Trồng Hồi hữu cơ- Hướng đi cho sự phát triển bền vững cây Hồi Xứ Lạng

Theo thống kê của Hiệp hội Gia vị thế giới, Việt Nam đứng thứ 2 sau Trung Quốc về sản lượng Hồi. Trong đó, Lạng Sơn hiện là tỉnh có diện tích và sản lượng Hồi lớn nhất cả nước. Tính đến nay, tổng diện tích hoa Hồi toàn tỉnh là 33.738 ha, trong đó, vùng Hồi ở các huyện Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng có diện tích trên 25.000 ha, chiếm 74,1% trong tổng số diện tích Hồi toàn tỉnh.

Hồi là loài cây có giá trị kinh tế cao, cho ra các sản phẩm đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: Dược liệu, hương liệu, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ... với thị trường tiêu thụ rộng, bao gồm các thị trường lớn như Mỹ, các nước châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, một số nước Đông Nam Á. Là một trong những cây trồng lâm nghiệp chủ lực của tỉnh, trong những năm qua, nguồn thu nhập từ cây Hồi đã giúp người dân trong tỉnh nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Vốn đầu tư trồng Hồi ban đầu tuy cao nhưng giá trị hưởng lợi lâu dài, có thể thu hái hàng chục năm. Theo thống kê kết quả thực hiện các chỉ tiêu lâm nghiệp tỉnh Lạng Sơn do Chi cục Kiểm lâm tỉnh cung cấp, năm 2021, tổng sản lượng hoa Hồi khô toàn tỉnh đạt 16.045,9 tấn, đem lại nguồn thu gần 1.500 tỷ đồng.

Từ đó có thể thấy, tiềm năng và giá trị kinh tế cây Hồi mang lại là rất lớn. Tuy nhiên, với tập quán canh tác lạc hậu, hạn chế về áp dụng khoa học kỹ thuật, chất lượng cây giống chưa đảm bảo, quy trình bón phân, chăm sóc, cắt tỉa cây, phòng trừ sâu bệnh chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật dẫn đến cây kém phát triển, nhiều diện tích rừng Hồi đã cho thu hoạch nhiều năm đang dần thoái hóa, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, làm giảm hiệu quả kinh tế, sản phẩm khó đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, là trở ngại cho việc phát triển bền vững cây Hồi trên địa bàn tỉnh.

Để ngành lâm nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, khắc phục những hạn chế còn tồn tại và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát huy, khai thác tốt các nguồn lực, lợi thế để lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, ngày 07/02/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 234 /QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2030”. Trong đó đã xác định cây Hồi là một trong những sản phẩm lâm nghiệp có tính chất đặc thù, giá trị cao của tỉnh được tạo ra do điều kiện tự nhiên của vùng sinh thái, cần được quan tâm phát triển và đã định hướng tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn về quản lý rừng bền vững và sản xuất hữu cơ, đảm bảo các sản phẩm từ cây Hồi có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất và có giá trị sử dụng thân thiện với môi trường.

Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cây Hồi, một trong các giải pháp hiệu quả đó là sản xuất Hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ. Trồng Hồi theo tiêu chuẩn  hữu cơ đang được tỉnh khuyến khích và hỗ trợ thông qua các dự án đầu tư tại các huyện, điển hình như tại huyện Chi Lăng (174 ha), Bình Gia (131 ha), Văn Quan (trên 400 ha). Từ tập quán canh tác lạc hậu theo kiểu truyền thống đến áp dụng các quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất như làm đất, chọn giống, bón phân hữu cơ, chế độ tưới tiêu hợp lý, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm an toàn... việc trồng Hồi hữu cơ đang cho thấy những tín hiệu tích cực: cây sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh, sản lượng tăng từ 15-20%. Các sản phẩm tạo ra từ Hồi hữu cơ có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu về an toàn cho người sử dụng, được người tiêu dùng trong nước và thế giới rất ưa chuộng, đã giúp giá trị sản phẩm Hồi tăng cao.

Mô hình Hồi hữu cơ tại huyện Văn Quan

 

Cùng với các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao sản lượng, giá trị cây Hồi thì sản xuất Hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ không những nâng cao giá trị mà còn góp phần quảng bá và nâng cao khả năng tiếp cận của các sản phẩm Hồi Lạng Sơn với các thị trường khó tính giàu tiềm năng. Đây là tín hiệu vui chứng minh “loài cây chủ lực” của tỉnh đang phát triển bền vững, từng bước khẳng định thương hiệu của loại cây đặc sản xứ Lạng trên thị trường trong nước và thế giới, góp phần nâng cao đời sống người dân và giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp của tỉnh./.

 

 

 

Lê Văn Hùng

Chuyên viên Phòng Sử dụng và Phát triển rừng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn