Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Nông nghiệp và PTNT

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2023

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT hàng năm, chủ trì tham mưu ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT hàng năm, chủ trì tham mưu ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh. Ngày 07/3/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch số 46/KH-SNN về thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn năm 2023, đề ra mục tiêu trong năm 2023: Phấn đấu có thêm từ 15 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; duy trì, củng cố, nâng cấp chất lượng cho các sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP và các chủ doanh nghiệp/HTX tham gia OCOP; Phát triển mới và củng cố các tổ chức kinh tế tham gia OCOP, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX, 10% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Với các nội dung thực hiện:

*Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP.

- Chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với phối hợp với Đài Phát hành và Truyền hình Lạng Sơn, Báo Lạng Sơn, UBND các huyện, thành phố xây dựng chuyên mục truyền thông OCOP, duy trì, cập nhật thường xuyên liên tục nội dung OCOP trên các phương tiện truyền thông đại chúng…Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế nông nghiệp, nông thôn, các chủ thể OCOP, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng,...

* Đào tạo nâng cao nguồn nhân lực

- Tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình OCOP và chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP (tỉnh, huyện, xã); Đặc biệt là đào tạo, tập huấn  các chủ doanh nghiệp, HTX, các cơ sở/hộ sản xuất về quản trị, marketing, cách thức, ý tưởng kinh doanh; đào tạo kỹ năng làm nông nghiệp cho thành niên, đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP...

* Phát triển các tổ chức kinh tế: Triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm phát triển kinh tế hợp tác nói chung và HTX nói riêng; trong đó trọng tâm là chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Tạo điều kiện cho HTX tham gia các hoạt động công ích, dịch vụ công, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp…; hướng dẫn và tạo điều kiện cho hợp tác xã huy động vốn và các nguồn lực để HTX khôi phục và ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.

* Hỗ trợ phát triển một số sản phẩm tham gia Chương trình OCOP: tập trung hỗ trợ các nội dung: Xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP; chi phí bao bì, in tem; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói, câu chuyện sản phẩm…

* Học tập, trao đổi kinh nghiệm trong nước: Tổ chức học tập trao đổi kinh nghiệm về các mô hình tổ chức, cách thức triển khai thực hiện Đề án OCOP tại các tỉnh tiêu biểu.

* Quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu: Tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, tuần lễ nông sản giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ trong tỉnh, ngoài tỉnh và quốc tế; tạo điều kiện cho các chủ thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm các đối tác để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...

* Tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP: Tổ chức đánh giá và phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình cấp tỉnh theo Bộ tiêu chí. Công bố kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh đến với tất cả mọi người trên toàn quốc; Tham mưu lựa chọn sản phẩm có khả năng đạt 05 sao để tham gia đánh giá, phân hạng cấp Quốc gia.

* Tổ chức sơ kết thực hiện Chương trình: Tham mưu tổ chức sơ kết thực hiện Chương trình để đánh giá kết quả đạt được; những khó khăn vướng mắc; rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

* Giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình: Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, giám sát quản lý chất lượng định kỳ hoặc đột xuất; đánh giá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai.

Để triển khai Chương trình OCOP đồng bộ, hoàn thành các mục tiêu đề ra, trong kế hoạch đã phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và cơ quan liên quan triển khai thực Chương trình. Trong đó tập trung chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai các nhiệm vụ: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa và lợi ích khi tham gia chương trình OCOP…Tuyên truyền Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 và Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh nhằm triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm./.

Xem chi tiết Văn bản tại đây./.


Nguồn:sonn.langson.gov.vn Sao chép liên kết