Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Nông nghiệp và PTNT

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh Cúm Gia cầm - Cách nhận biết và các biện pháp phòng chống

Bệnh Cúm gia cầm (CGC) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm (bao gồm cả gia cầm và chim hoang dã) và động vật có vú (bao gồm cả người), gây ra do vi rút cúm típ A, trên vỏ bọc có hai loại kháng nguyên H và N, kháng nguyên H có 16 subtype đánh số thứ tự từ H1 đến H16 và kháng nguyên N có 9 subtype được đánh số thứ tự từ N1 đến N9, tùy theo chủng vi rút gây bệnh, ký hiệu của subtype H và N được chỉ định cho chủng vi rút đó. Ở Việt Nam hiện nay đã xác định một số chủng vi rút gây bệnh CGC thể độc lực cao là H5N1, H5N6 và H5N8. Trong chăn nuôi, gà thường bị mắc bệnh rất nặng, các loài thuỷ cầm thường mang mầm bệnh nhưng ít có khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường.

 

Theo Cục Thú y trong 3 tháng đầu năm 2024 cả nước có 6 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1 (Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang). Tại Lạng Sơn, từ năm 2022 tới nay không phát sinh ổ bệnh Cúm gia cầm trên gia cầm. Tuy nhiên với đặc điểm chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ khó kiểm soát, việc kiểm soát buôn bán vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc còn chưa được triệt để; trong năm 2023 qua tổ chức triển khai lấy mẫu giám sát chủ động tại một số điểm chợ đã có 04 mẫu dương tính với vi rút CGC típ A/H5N1 do vậy nguy cơ xâm nhiễm, xảy ra bệnh Cúm gia cầm trong thời gian tới là rất cao.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh CGC, đồng thời để chủ động ngăn chặn các ổ dịch CGC trên gia cầm, hạn chế thấp nhất vi rút CGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ bệnh Cúm gia cầm như sau:

1. Triệu chứng, bệnh tích

- Triệu chứng: Gia cầm mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 01 đến 03 ngày và có thể kéo dài hơn tùy theo độc lực của vi rút. Do vậy, gia cầm mắc bệnh thường bị chết đột ngột và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày; gia cầm đi không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám; có các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, khó thở, sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, thở khò khè, viêm xoang, sưng viêm mí mắt, chảy nhiều nước mắt, nhiều con sưng khớp; sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái; xuất huyết dưới da, đặc biệt ở những chỗ da không có lông; tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh, ở những con đang đẻ năng suất trứng giảm rõ rệt, có trường hợp đẻ trứng không có vỏ.

- Bệnh tích: Xuất huyết ở hầu hết nội tạng, thấy rõ ở manh tràng, dạ dạ tuyến, đường hô hấp, xoang bụng tích nước hoặc viêm dính.

 

2. Các biện pháp phòng bệnh

2.1. Phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin

- Đối tượng tiêm phòng: Gia cầm giống, gia cầm trứng thương phẩm, gia cầm nuôi thịt với thời gian nuôi trên 45 ngày.

-Thời gian tiêm phòng: Tiêm phòng theo quy trình nuôi và định kỳ tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm nuôi mới, đàn gia cầm hết thời gian và còn miễn dịch bảo hộ hoặc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương.

- Liều lượng, đường tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin.

2.2. Chăn nuôi An toàn sinh học cho đàn gia cầm

An toàn sinh học là biện pháp nhằm ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào trang trại.

- Cách ly chuồng trại: Các trang trại phải có tường hoặc hàng rào, lưới bảo vệ nhằm ngăn cản các loài khác từ bên ngoài xâm nhập vào trại. Không chăn thả thủy cầm tự do.

- Khống chế sự di chuyển: Hạn chế mức tối đa việc đi lại trong chuồng nuôi.

- Phương tiện, dụng cụ chăn nuôi riêng biết đối với từng khu và phải vệ sinh tiêu độc sau khi sử dụng.

- Xua đuổi chim trời.

- Vệ sinh tiêu độc khử trùng: Vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng định kỳ 1ần/ tuần. Người vào trại phải vệ sinh, khử trùng sạch sẽ trước và sau khi ra vào chuồng nuôi.

- Chế độ chăm sóc nuôi dưỡng: Khẩu phần dinh dưỡng đầy đủ cho đàn gia cầm để tăng sức đề kháng.

2.3. Đối với kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm

Chỉ được phép vận chuyển gia cầm từ vùng không có dịch bệnh và có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hợp lệ của cơ quan Thú y.

Việc vận chuyển gia cầm sống phải bằng phương tiện đảm bảo không để rơi vãi chất thải ra môi trường.

Sử dụng phương tiện bảo hộ lao động khi tiếp xúc với gia cầm.

Sau khi giết mổ phải rửa tay bằng nước sạch và xà phòng, thu dọn lông và các chất thải vào khu việc riêng.

2.4. Đối với người tiêu dùng

Mua, sử dụng sản phẩm gia cầm đã được cơ quan Thú y kiểm tra.

Không mua, không mổ thịt, ăn gia cầm mắc bệnh.

Không ăn tiết canh vịt, ngan; không ăn tái, gỏi thịt gia cầm; không ăn trứng chưa chín kỹ. Nấu chín kỹ thịt gia cầm và sản phẩm gia cầm.

Thực hiện 5 không: Không thả rông gia cầm, không mua bán gia cầm bị mắc bệnh, không giết mổ gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không giấu dịch, không vứt xác gia cầm bừa bãi.

3. Xử lý gia cầm mắc bệnh

Tiêu hủy đàn gia cầm phát hiện mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao, chết; tiêu hủy đàn gia cầm nuôi thả rông xung quanh mà chưa được tiêm phòng vắc xin cúm và đã tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh hoặc tiếp xúc với đàn gia cầm có dấu hiệu nghi mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao.

Việc xử lý tiêu hủy gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương.

4. Vệ sinh tiêu độc ổ dịch

Quét dọn, thu gom, tiêu hủy phân rác, chất độn chuồng.

Rửa sạch dụng cụ chăn nuôi, chuồng trại, để khô sau đó dùng chất sát trùng thích hợp.

Nước rửa chuồng trại phải được xử lý trước khi đưa ra ngoài bằng cách cho vôi vào đạt nồng độ 10%.

Tất cả những người tiếp xúc với gia cầm bệnh phải có bảo hộ lao động.

Tin bài: Nguyễn Thị Bích Phượng – Chi cục Chăn nuôi và Thú y