Một số giải pháp kỹ thuật ứng phó tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, mưa dông bất thường và áp thấp nhiệt đới, bão, lũ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm thời tiết thay đổi theo hướng cực đoan, nắng nóng, hạn hán, áp thấp nhiệt đới, mưa, bão xảy ra không theo quy luật. Để kịp thời ứng phó với các hiện tượng bất thường của thời tiết, hạn chế thấp nhất tác động bất lợi đối với nuôi trồng thuỷ sản, làm giảm khả năng sinh trưởng và tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại cho các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Sau đây là một số kỹ thuật ứng phó với tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, mưa dông bất thường và áp thấp nhiệt đới, bão, lũ. Cụ thể như sau:
1. Đối với thuỷ sản nuôi trong ao
- Kiểm tra bờ, cống ao để tránh hiện tượng rò rỉ nước. Duy trì mực nước trong ao từ 1,5 - 2m, tích cực tạo oxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí vào thời điểm 10-18h và đặc biệt là vào ban đêm từ 2h-6h sáng (thời điểm này ô xy xuống rất thấp. Những nơi có điều kiện thay nước thì tiến hành thay nước có thể thay từ 15-20% lượng nước cũ và cấp thêm nước mới vào ao dưới dạng phun mưa (tốt nhất vào sáng sớm).
- Dùng bạt, lưới màu đen che phủ hoặc thả bèo tây 2/3 diện tích mặt ao hoặc làm giàn mướp, bầu, bí,... cao hơn mặt nước trên 2m để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm tăng nhiệt độ nước trong ao, tránh gây sốc cho thuỷ sản nuôi;
- Điều chỉnh mật độ nuôi trong ao cho phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của từng đối tượng nuôi; Sử dụng các thiết bị làm tăng ô xy cho ao nuôi như: máy sục khí, máy bơm phun nước, máy quạt nước, ... có tác dụng làm đảo trung hòa các tầng nước, làm cho nước mát hơn.
- Những ngày nắng nóng cần điều chỉnh lượng thức ăn theo diễn biến thời tiết, giảm 50% thượng thức ăn, tránh tình trạng dư thừa thức ăn, gây lãng phí, gây ô nhiễm môi trường nước, khi thức ăn dư thừa, quá trình phân hủy sẽ làm nhiệt độ nước tăng thêm. Bổ sung Vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng, duy trì đàn thuỷ sản nuôi.
- Hàng tuần nên dùng vôi bột hòa tan tạt đều khắp ao vào buổi chiều mát để khử trùng nguồn nước và ổn định độ PH trong ao với hàm lượng 2 - 4 kg vôi bột/100 m3 nước.
- Tăng cường công tác phòng bệnh vào thời điểm nắng nóng, mở nhật ký theo dõi diễn biến thời tiết, sức khỏe của (ĐVTS), môi trường nước ao nuôi như: (nhiệt độ, oxy, PH,... và các khí độc H2S, NH3 ...), để có biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.
- Chủ động thu hoạch thuỷ sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm hoặc san thưa mật độ ngay khi thiếu nước, hạn hán xảy ra.
2. Đối với thủy sản nuôi trong lồng, bè
- Đối với các loài thủy sản nuôi lồng, bè trên sông, hồ thủy lợi, thủy điện, phải thường xuyên kiểm tra, gia cố cho chắc chắn lại lồng bè; vệ sinh lồng bè thường xuyên, đảm bảo lồng nuôi luôn được thông thoáng sạch sẽ, để nước trong và ngoài lồng luôn được lưu thông; thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe thủy sản nuôi, thu gom thức ăn thừa, xác thủy sản chết; duy trì độ sâu mực nước, di chuyển lồng về nơi râm mát. Trong trường hợp bất lợi cần có biện pháp di chuyển lồng, bè đến nơi thích hợp. Nếu không di chuyển được, cần hạ thấp lưới lồng xuống từ 2,5-3m để đảm bảo ổn định nhiệt độ cho cá sinh trưởng và phát triển. Đồng thời sử dụng lưới đen che bề mặt lồng bè nuôi để giảm ánh sáng trực tiếp xuống đáy lồng nuôi.
- Ngoài ra còn có thể dùng bèo tây để thả che phủ với lượng 1/3 hoặc 1/2 diện tích lồng, bè, hoặc dùng các loại bạt, lưới màu đen che trên lồng, bè, nhằm để che nắng, trống nóng, để làm chỗ trú nóng cho thủy sản. Sử dụng các thiết bị máy sục khí, máy bơm phun nước, máy quạt nước, ... làm tăng thêm ô xy, trung hòa các tầng nước trong lồng, bè nuôi, làm cho nước mát hơn.
- Đối với vùng nuôi có hàm lượng vật chất hữu cơ nhiều nên đặt lồng nuôi cách đáy khoảng 1,5-2,0m nhằm khắc phục việc thiếu ô xy cục bộ; nên dùng túi vôi bột treo ở các góc lồng và giữa lồng nuôi để phòng bệnh.
- Giảm 50-70% lượng thức ăn cho ăn hàng ngày hoặc ngừng cho ăn vào những ngày nắng nóng gay gắt. Chọn loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao kết hợp với việc bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học, men tiêu hóa,... để duy trì thuỷ sản nuôi trong giai đoạn nắng nóng gay gắt.
- Tiến hành thu tỉa khi thuỷ sản nuôi đạt kích cỡ thu hoạch. Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày.
Sử dụng lưới đen che phủ mặt ao để chống nắng nóng cho thủy sản. | Thả bèo tây che phủ 2/3 mặt ao để chống nắng nóng cho thủy sản. |
Sử dụng lưới đen che phủ lồng nuôi để chống nắng nóng cho thủy sản. |
3. Hướng dẫn cơ sở nuôi các biện pháp phòng chống và khắc phục thiệt do áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), mưa bão, lũ xảy ra
a) Trước khi có ATNĐ, mưa bão, lũ
- Thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm;
- Nạo vét kênh mương; đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao;
- Di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ. Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lồng bè thông thoáng; khi cần thiết, che chắn mặt lồng/bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài.
- Chuẩn bị các trang thiết bị, hóa chất, nguyên nhiên vật liệu (lưới, đăng chắn, dụng cụ cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ quạt nước, vôi, thuyền, phao cứu sinh…) cần thiết để chủ động gia cố, sửa chữa hệ thống bờ ao, cống, đăng chắn khi có tình huống xấu xẩy ra.
- Chủ động gia cố nhà cửa, trang trại đảm bảo an toàn khi có mưa, bão.
b) Biện pháp khắc phục sau ATNĐ, mưa bão, lũ
- Xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao.
- Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, đầm, nơi đặt lồng bè nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép. Di chuyển lồng bè đến vùng nuôi có chất lượng nước phù hợp (nếu cần thiết);
- Bổ sung Vitamin, khoáng chất hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Sử dụng thuốc, chế phẩm vi sinh, hoá chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, lũ tan (nếu bị ô nhiễm).
- Nếu có thuỷ sản bị chết cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan Thú y địa phương để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước. Hướng dẫn người nuôi thống kê chính xác diện tích, mức độ thiệt hại để có cơ sở đề xuất hỗ trợ cho người dân khôi phục sản xuất./.
Linh Văn Khiêm (Trung tâm Khuyến nông)