NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN LẠNG SƠN PHÁT TRIỂN QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ
I. THỜI KỲ 1946-1954, KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP.
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ngày 01 tháng 12 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí sắc lệnh số 69/SL hợp nhất các cơ quan (Canh nông, Thú y, Mục súc, ngư nghiệp, Lâm chính và Nông nghiệp tín dụng (Hợp tác xã và Nông phố Ngân Hàng) thành Bộ Canh Nông (Tỉnh có Ty Canh Nông). Trong thời kỳ này nông nghiệp Lạng Sơn được chia ra làm hai đoạn phục vụ mục đích lịch sử khác nhau;
Giai đoạn 1946 – 1950 đây là giai đoạn Lạng Sơn cùng cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần 2, sau khi chiếm đóng thực dân pháp tăng cường vơ vét, cướp bóc tài nguyên và ra sức phá hoại các cơ sở kinh tế của nhân dân (hàng trăm mẫu đất canh tác đã phải bỏ hoang hoặc bị phá làm sân bay, vùng quân sự...hàng trăm trâu, bò bị giết hại). Tuy vậy ở những vùng tự do (căn cứ Bắc Sơn, Bình Gia) và ngay cả ở một số nơi thuộc vùng tạm chiếm đồng bào các dân tộc vẫn hăng hái tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế đóng góp sức người sức của cho kháng chiến.
Giai đoạn 1951-1954, ngày 17/10/1950 Lạng Sơn được hoàn toàn giải phóng, nền sản xuất nông lâm nghiệp được hồi sinh và có những chuyển biến rõ rệt, diện tích, năng suất, sản lượng lúa, ngô đều tăng cao so năm 1946; xét toàn tỉnh năm 1954 sản lượng lương thực quy thóc đạt 65.142 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 297,5 kg/người/năm, tổng đàn trâu 66.400 con, đàn bò 10.800 con, lợn 65.420 con và chục vạn con gia súc, gia cầm khác. Có thể nói đây là giai đoạn đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của nền sản xuất nông nghiệp Lạng Sơn, lần đầu tiên xuất hiện trung tâm khuyến nông (do ông Ma Văn Nghi làm Giám đốc), Trung tâm đã tiến hành đưa các giống mới, hướng dẫn bón phân và các biện pháp tiến bộ khác vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng.
Nhìn chung nông nghiệp Lạng Sơn thời kỳ 1946-1954 được phục hồi và phát triển nhanh, cơ cấu phát triển của ngành hàm chứa nhiều những sự thay đổi có tính chất đột biến về chất (ví dụ, chỉ tính riêng cây Hồi trong năm 1952-1954 đã không ngừng tăng tỷ trọng về giá trị trong nghành, năm 1952 giá trị dầu Hồi có thể cân đối bằng 25% tổng sản lượng lúa, năm 1953 tăng lên 30% và 40% vào năm 1954), cơ cấu nông nghiệp Lạng Sơn giai đoạn này đã thể hiện khá rõ tiềm năng của một nền nông nghiệp hàng hoá và một số yếu tố của kinh tế hàng hoá đã bước đầu hình thành trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
II. THỜI KỲ 1955-1985, KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN
Giai đoạn 1955-1957, tháng 2/1955 thành lập Bộ Nông lâm (Tỉnh có Ty Nông Lâm, Ty Thủy lợi – Điện lực); Sản xuất nông lâm nghiệp Lạng Sơn được phục hồi và có bước phát triển mới, trong 3 năm toàn tỉnh đã khôi phục, sửa chữa và xây dựng mới hàng trăm công trình thủy lợi, thủy nông, hơn 1.000 mương máng các loại, hàng trăm km cầu đường, hàng ngàn ha đất canh tác, đất đồi bãi, nương dẫy đã được khai hoang, phục hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất (thâm canh, tăng vụ, sử dụng giống mới, phân bón hữu cơ, hóa học, công cụ cải tiến...) được mở rộng ở nhiều nơi; tổng diện tích canh tác (đất ruộng) khoảng 82.800 mẫu (30.000ha) tăng thêm 74.000 mẫu so năm 1946 (ruộng hai vụ tăng 3.500 mẫu), đất đồi bãi nương dẫy trồng các loại hoa màu được mở rộng tới khoảng 7.000 ha; sản lượng thóc hàng năm của tỉnh đạt trên dưới 55.000 tấn.
Giai đoạn 1957-1960, đến cuối năm 1960 Bộ Nông lâm tách thành 4 tổ chức (Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường, Tổng cục Thủy sản và Tổng cục lâm nghiệp, Tỉnh có Ty Nông nghiệp, Ty Lâm nghiệp, Ty Thủy lợi – thủy điện...); Lạng sơn bắt đầu với cuộc vận động cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nền sản xuất nhỏ cá thể, cải tạo quan hệ sản xuất cũ lạc hậu mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển, đến giữa năm 1958 toàn tỉnh đã tổ chức được 2.800 tổ đổi công và năm 1960 đã thành lập 1.221 HTX nông nghiệp thu hút 30.000 hộ nông dân tham gia; đến năm 1960 diện tích canh tác của tỉnh đã lên tới 39.950 ha, trong đó có gần 13.000 ha được đảm bảo nước tưới phục vụ thâm canh, tăng vụ, năng suất lúa trung bình của tỉnh Lạng Sơn đã đạt 23,17 tạ/ha/vụ cao hơn 25,8% so năng suất lúa trung bình của Miền Bắc (18,42 tạ/ha/vụ) và cao hơn 11,5% so với các tỉnh miền núi, xuất khẩu hơn 100 tấn dầu hồi, bán ra các tỉnh khác 4.000-4.500 con trâu, bò, 100-150 tấn đậu tương, 100 tấn lạc...
Giai đoạn 1961-1985, ngày 1/4/1971 thành lập Ủy ban nông nghiệp trung ương (Tỉnh có Ủy ban nông nghiệp, từ năm 1975 - 1978 là Ủy ban nông nghiệp Cao - Lạng) trên cơ sở sáp nhập Bộ nông nghiệp, Bộ Nông trường và Ban quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và đến năm 1976 đổi tên thành Bộ Nông nghiệp; trong giai đoạn này Nông nghiệp Lạng Sơn song song với việc cải tạo quan hệ sản xuất và tổ chức lại sản xuất (năm 1963 số hộ vào hợp tác xã chiếm 47% tổng số hộ nông dân toàn tỉnh, năm 1978 -1979 sau nhiều đợt cải tiến quản lý Lạng sơn có 535 HTX thu hút 71% số hộ nông dân tham gia, năm 1979 sau chiến tranh biên giới tình hình nông nghiệp bị xáo trộn, hàng trăm HTX bị tan vỡ, do đó đến năm 1984 toàn tỉnh còn 412 HTX, số hộ xã viên tham gia chiếm 56,2% tổng số hộ nông dân; trong giai đoạn này Lạng Sơn đã thành lập hàng chục nông, lâm trường quốc doanh và nhiều trạm trại kỹ thuật), là việc huy động các nguồn lực đầu tư của nhà nước, HTX và nhân dân địa phương được đẩy mạnh; vào những năm 60 Lạng Sơn có nhiều công trình thủy lợi lớn được xây dựng (Hồ Nà Tâm rộng 30ha, đập thủy điện Khuổi Sao, Văn Quan, Na Sầm, hồ Tà Keo rộng 100ha dung tích 13 triệu m3, hồ Tam Hoa...), sản xuất nông nghiệp thời kỳ này có những bước phát triển nhất định nhưng vẫn mang đậm tính chất của nền sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp và có sự phát triển không ổn định: diện tích gieo trồng từ 67.410 ha năm 1965 giảm xuống còn 58.756 ha năm 1975 và tăng dần từ 65.111 ha năm 1980 lên 68.348 ha năm 1985; tổng sản lượng lương thực quy thóc có sự tăng nhưng chậm, năm 1965 là 90.557 tấn tăng lên 99.167 tấn năm 1975, 103.060 tấn năm 1980 và 124.724 tấn năm 1985; tổng đàn trâu bò phát có sự phát triển cầm chừng không ổn định từ 150,1 nghìn con năm 1965 xuống 149,5 nghìn con năm 1975 tăng lên 154,5 nghìn con năm 1980 và 172,7 nghìn con năm 1985...
III. THỜI KỲ TỪ 1986 ĐẾN NAY, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN
Giai đoạn 1986-2000, tháng 10/1995 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa IX thông qua Nghị định về thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tỉnh có Sở Nông nghiệp và PTNT Lạng Sơn) trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ (Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp & Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thủy lợi); trong 15 năm thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế xã hội nói chung, nông nghiệp nông thôn Lạng Sơn nói riêng có nhiều thành tựu quan trọng: GDP bình quân toàn tỉnh thời kỳ 1986-2000 tăng 7,53%/năm; tỷ trọng các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng (Ngành nông lâm nghiệp giảm từ 63,17% năm 1986 xuống còn 51,07%; ngành công nghiệp- xây dựng cơ bản tăng từ 8,32% năm 1986 lên 12,53%; ngành thương mại- dịch vụ tăng từ 28,51% năm 1986 lên 36,40% năm 2000); Tổng sản lượng lương thực quy thóc tăng từ 124.724 tấn năm 1986 lên 206,213 tấn năm 2000, bình quân lương thực người trên năm tăng từ 235 kg năm 1985 lên 284,2 kg năm 2000; Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí cũ) giảm từ trên 40% năm 1985 xuống còn 11% năm 2000, Độ che phủ rừng tăng từ 17% năm 1985 lên 33,88% năm 2000...
Giai đoạn từ 2001 đến nay, nông nghiệp, nông thôn Lạng Sơn tiếp tục phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2001-2010 đạt 4,5% gấp 1,17 lần mức tăng chung của cả nước, giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt 3,6%/năm; tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp và thủy sản trong cơ cấu GDP chung toàn tỉnh giảm từ 49,7% năm 2001 xuống còn 37,75% năm 2010 và còn 26,12 năm 2015, cơ cấu kinh tế nội ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực đúng hướng, tổng sản lượng lương thực tăng từ 235.300 tấn năm 2001 lên 295.400 năm 2010 và khoảng 314.500 tấn năm 2015; cơ cấu cây trồng vật nuôi có nhiều chuyển biến tích cực, người dân đã hình thành tư duy sản xuất hàng hoá, nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao đã hình thành; hạn tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư, môi trường sống nông thôn được cải thiện, đến 2015 tỷ lệ số xã có ô tô đi được 4 mùa đạt 94,2%, 85,2% số thôn bản, khối phố có nhà văn hóa, 85% cư dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; Chương trình nông thôn mới từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn Lạng Sơn, đến nay đã có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến 2015 có 13 xã nông thôn mới., bình quân đạt 07 tiêu chí/xã.
Với những thành tích đã đạt được trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, Sở Nông nghiệp và PTNT vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng nhì năm 2000, nhiều tập thể cá nhân trong ngành được tặng các phần thưởng cao quý của Đảng và nhà nước như: Trung tâm khuyến nông, Công ty vật tư nông nghiệp, Công ty TNHH lâm nghiệp Lộc Bình, Đình Lập, Công ty Cổ phần Thái Bình... được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng ba...Nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh...
Chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lạng Sơn nói riêng đã hoàn thành nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử. Để phát huy những thành tích đã đạt được và khắc phục những hạn chế yếu kém, trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Bộ Nông nghiệp và PTNT, toàn thể cán bộ, công chức viên chức ngành Nông nghiệp và PTNT Lạng Sơn không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận, nâng cao phẩm chất đạo đức, giữ gìn đoàn kết nội bộ quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp đề ra, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, xây dựng ngành là tập thể đoàn kết, trong sạch vững mạnh; quyết tâm thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn xây dựng nông thôn mới để từng bước xây dựng một nền nông nghiệp của Lạng Sơn sản xuất theo hướng hàng hoá và chuyên môn hoá, hội nhập kinh tế trong nước và thế giới góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.