Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc
Sáng 03/12/2024, tại thành phố Lạng Sơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức “Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc”.
Quang cảnh diễn đàn
Dự diễn đàn có đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo một số cơ quan Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện các cơ quan Bộ Công thương; Tổng cục Hải quan; các Thương vụ thuộc Tổng Lãnh sự quán Việt Nam (Bộ Ngoại giao) tại Trung Quốc; đại biểu ngoài tỉnh có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Phú Thọ, Sơn La, Hoà Bình, Bình Thuận, Đăk-Lăk, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng; đại diện các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trên cả nước; các cơ quan, doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc.
Về phía tỉnh Lạng Sơn, dự diễn đàn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh: Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, Cục Hải quan; Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và một số doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh,…
Các đại biểu tham dự diễn đàn
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 16 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 12,2 tỷ USD (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023). Các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn chiếm từ 75-80% giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại tỉnh.
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết hạ tầng giao thông và các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo sự thông thương nhanh chóng, thuận lợi trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, tỉnh Lạng Sơn đã và đang là một trong những địa bàn trung chuyển, tổ chức các dịch vụ xuất nhập khẩu trọng điểm trên đường bộ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thời gian qua, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm quản lý hiệu quả và hỗ trợ, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với mặt hàng nông lâm thủy sản. Tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số trong công tác quản lý xuất nhập khẩu thông qua Nền tảng cửa khẩu số, giúp tiếp nhận và xử lý thông tin công khai, nhanh chóng, từ đó kịp thời điều tiết các phương tiện, tăng hiệu suất thông quan; tích cực triển khai Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh; triển khai các sự kiện giao lưu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc kết nối, gặp gỡ, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất nhập khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản...
Với sự chủ động, quyết tâm của tỉnh Lạng Sơn trong phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, cùng sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan phía Quảng Tây (Trung Quốc) và sự ủng hộ, đồng hành của các doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn luôn được duy trì và ngày càng phát triển. Kết quả từ đầu năm 2024 đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thông suốt và rất sôi động. Nông sản, nhất là trái cây xuất khẩu luôn được tạo điều kiện, điều tiết kịp thời vào các bến bãi, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ, ảnh hưởng tới hàng hóa và doanh nghiệp. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua các cửa khẩu của tỉnh năm 2024 ước đạt 66,4 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ. Trong đó kim ngạch xuất khẩu nông sản mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Lạng Sơn luôn hoan nghênh các thương nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, làm việc, kết nối với doanh nghiệp địa phương để hợp tác về thương mại qua các cửa khẩu của tỉnh. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản giữa tỉnh Lạng Sơn với Quảng Tây và các địa phương khác của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, đưa Lạng Sơn trở thành Trung tâm trung chuyển hàng hóa, là một trong những cửa ngõ giao thương lớn nhất trên đường bộ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN với Trung Quốc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai nước Việt - Trung.
Đại diện doanh nghiệp Trung Quốc nêu ý kiến tại diễn đàn
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ ý kiến của đại diện một số hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã về những quy định về xuất khẩu nông lâm thủy sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc; những quy định về thực hiện hợp đồng thương mại với Trung Quốc; những vấn đề trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế; những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam,…
Đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp tại diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nêu rõ: Trung Quốc là một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam bên cạnh Hoa Kỳ và Nhật Bản. Việc ký kết các Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo sức bật cho nhiều loại nông sản trong nước như: Sầu riêng, Thạch đen, Dừa tươi... Tuy nhiên, cùng với cơ hội thì hoạt động xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn có những khó khăn và thách thức.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị: Thời gian tới, các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục duy trì phát triển hoạt động thương mại xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng; chủ động đàm phán mở thêm các sản phẩm mới, bổ sung thêm vùng trồng, vùng nuôi được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; kịp thời nắm bắt và phổ biến các quy định mới về xuất nhập khẩu, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của người dân Trung Quốc... Đồng thời, các địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp tiếp tục tập trung tổ chức lại chuỗi sản xuất theo ngành hàng; gắn với các vùng chuyên canh liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương để đảm bảo cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi phục vụ xuất khẩu; minh bạch hóa thông tin với các vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói theo mùa vụ, thời vụ; chuẩn hóa về chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất; sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản./.
Nguyễn Duy Hà (Trung tâm Khuyến nông)