Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Nông nghiệp và PTNT

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỉnh Lạng Sơn thêm hai sản phẩm OCOP đạt 4 sao

 

Đồng chí Lý Việt Hưng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng OCOP tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Lưu

Ngày 02/02/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị công bố kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2023. Dự hội nghị có lãnh đạo và đại diện các Sở: Khoa học & Công nghệ, Công thương, Tài Nguyên & Môi trường, Hội đồng đánh giá phân hạng OCOP tỉnh Lạng Sơn, Phòng Kinh tế thành phố Lạng Sơn, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cao Lộc, 2 chủ thể sản phẩm “Rượu men lá người Dao” của HTX Nông nghiệp Công Sơn huyện Cao Lộc và “Mắc Ca sấy nứt vỏ” (Macadamia) của Công ty Cổ phần Macca & Sa chi Lạng Sơn, đại diện lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng chí Lý Việt Hưng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng OCOP tỉnh chủ trì hội nghị.

Năm 2023, là năm đầu tiên đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP có sự phân cấp theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các Sở, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện đảm bảo đúng các quy định. Kết quả trong năm các huyện, thành phố tổ chức 22 hội nghị đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP có 54 sản phẩm đạt từ 3 đến 4 sao; UBND các huyện thành phố đã cấp Giấy chứng nhận cho 52 sản phẩm và trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 02 sản phẩm. Ngày 18/01/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tinh Lạng Sơn năm 2023 cho sản phẩm “Mắc ca sấy nứt vỏ” và nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao đối với sản phẩm “Rượu men là người Dao”. Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã có tổng số 147 sản phẩm (trong đó 23 sản phẩm 04 sao (đã bao gồm 03 sản phẩm nâng cấp 3 lên 4 sao); 124 sản phẩm 03 sao đã bao gồm 01 sản phẩm đánh giá lại). Tuy nhiên, đến hết tháng 01/2024 chỉ còn 119 sản phẩm (14 sản phẩm 04 sao, 105 sản phẩm 03 sao) còn thời hạn 36 tháng theo quy định.     

Các sản phẩm OCOP hiện nay đã và đang có chuyển biến tích cực về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu. Đặc biệt, tất cả các sản phẩm được chứng nhận OCOP đều đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm trở lên; nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, như VietGAP, ISO, HACCP... để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, từng bước nâng cấp, hoàn thiện phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sắc, truyền thống, chất lượng, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý; được các doanh nghiệp phân phối và thị trường chấp nhận, hình thành xu hướng ưu tiên trong phân phối sản phẩm OCOP.

Riêng đối với cây Mắc ca, tỉnh Lạng Sơn có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng và khí hậu, thích hợp với quá trình sinh trưởng, phát triển của loài cây này. Sản phẩm Mắc ca là loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Sản phẩm “Mắc ca sấy nứt vỏ” (Macadamia) được Công ty Cổ phần Mac ca & Sa chi Lạng Sơn liên kết với người dân sản xuất theo chuỗi giá trị trong việc cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và được chế biến theo tiêu chuẩn HACCP. Đây là sản phẩm có tiềm năng phát triển rộng rãi tiến tới xuất khẩu.

Đối với sản phẩm “Rượu men lá người Dao” của HTX Nông nghiệp Công Sơn, đây là đặc sản của người dân tộc Dao Lù Gang đã được đánh giá, cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 03 sao năm 2022, HTX đã nâng cấp bao bì, nhãn mác, chất lượng sản phẩm nâng hạng lên 4 sao, chủ thể tâm huyết với sản phẩm, mạnh dạn đầu tư, quảng bá sản phẩm.

Tại Hội nghị, sau khi công bố Quyết định của UBND tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Lý Việt Hưng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng OCOP tỉnh thay mặt Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao đối với 2 sản phẩm “Mắc ca sấy nứt vỏ” và “Rượu men là người Dao”.

Thay mặt Hội đồng OCOP tỉnh, đồng chí Lý Việt Hưng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trao Quyết định công nhận sản phẩm đạt 4 sao cho chủ thể của 2 sản phẩm “Mắc ca sấy nứt vỏ” (phải) và “Rượu men là người Dao” (trái).

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng OCOP tỉnh đã lưu ý một số vấn đề trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP, đó là: Công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện Chương trình còn nhiều hạn chế, nhận thức, hiểu biết của cán bộ, nhất là ở cơ sở về chương trình còn chưa đầy đủ, lúng túng trong triển khai, lập kế hoạch thực hiện, lựa chọn các chủ thể tham gia sản xuất; Việc tiếp cận Chương trình OCOP của chủ thể sản xuất kinh doanh còn chậm, chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của chương trình nên công tác tổ chức phối hợp thực hiện còn gặp nhiều khó khăn; Quá trình sản xuất các sản phẩm tham gia chương trình OCOP chủ yếu thuộc lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp có chu kỳ dài, rủi ro lớn; quá trình sản xuất phức tạp, kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, thiếu vốn đầu tư sản xuất,… làm ảnh hưởng đến tư tưởng và khả năng đầu tư sản xuất. Việc lập kế hoạch sản xuất, lập phương án kinh doanh của các chủ thể còn nhiều hạn chế do thiếu kinh nghiệm, chưa chủ động tham gia thực hiện mặc dù đã được hướng dẫn; Trình độ sản xuất kinh doanh của các HTX, doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực nông thôn còn thấp, chưa quen với sản xuất hàng hóa, thiếu sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan Nhà nước tại địa phương, do đó việc xây dựng hồ sơ thủ tục đăng ký tham gia đánh giá còn lúng túng, chưa đầy đủ thông tin, làm ảnh hưởng đến quá trình tham gia thực hiện Chương trình OCOP; Một số sản phẩm OCOP sản lượng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, tính cạnh tranh yếu, sản lượng tiêu thụ ít, nhỏ lẻ.

 Để tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP đã được công nhận, sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng nhận diện, tiêu thụ sản phẩm, đề nghị 2 chủ thể sản phẩm “Mắc ca sấy nứt vỏ” và “Rượu men là người Dao” cùng chủ thể của các sản phẩm OCOP khác cần tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, chủ động tăng cường liên kết, gắn kết các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị để mở rộng thị trường, nâng cao doanh thu; Đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; Tích cực tham gia những chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, bán hàng Online, giới thiệu sản phẩm nhằm đẩy mạnh thương hiệu, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và được nhiều người tiêu dùng biết đến; Tiếp tục đầu tư cải tiến mẫu mã, bao bì phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, đáp ứng nhiều phân khúc khách hàng, nâng cao khả năng tiếp cận đa dạng thị trường.

             

Nguyễn Duy Hà (Trung tâm Khuyến nông)


Tác giả: Duy Hà
Nguồn:Sưu tầm Sao chép liên kết