Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Nông nghiệp và PTNT

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường dạy nghề cho lao động nông thôn

Thực hiện chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc dạy nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2012 đến nay, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, hội viên, đoàn viên, nhất là hội viên nông dân với nhiều hình thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của tỉnh về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.  

 

2.png

Nông dân trồng cây chuối theo hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp

Việc truyền thông về công tác đào tạo nghề được thực hiện lồng ghép với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo có địa chỉ; phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng; phong trào cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo; phong trào năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, từ năm 2012 đến nay đã tổ chức trên 350 hội nghị và các buổi truyền thông lồng ghép, phát trên 4 nghìn sổ tay với trên 550 nghìn lượt người tiếp nhận; các cơ quan truyền thông đại chúng đăng tải trên 1,4 nghìn tin, bài về công tác dạy nghề lao động nông thôn. Công tác truyền thông góp phần nâng cao nhận thức và hành động cho lao động nông thôn, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn.

 

1.png

Nông dân áp dụng máy cấy lúa trong sản xuất nông nghiệp

Trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến tháng 9 năm 2017, toàn tỉnh mở được trên 1,2 nghìn lớp dạy nghề, đào tạo trên 42,5 nghìn lao động nông thôn (đào tạo nghề nông nghiệp trên 34 nghìn người, đào tạo nghề phi nông nghiệp trên 8,5 nghìn người). Đối tượng đào tạo nghề chủ yếu là đồng bào dân tộc, hộ nghèo, phụ nữ và một số người khuyết tật; số lao động qua đào tạo năm 2013 là 39%, đến năm 2017 đạt trên 47%.

 

Một số mô hình về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây na; kỹ thuật ươm cành giống cây lâm nghiệp; kỹ thuật trồng rau an toàn; kỹ thuật nuôi lợn nái, lợn thịt, nuôi gà bán chăn thả... được các hộ gia đình áp dụng vào sản suất. Các nghề làm nón lá; kỹ thuật chế biến món ăn, có trên 90% học viên được nhận vào nấu ăn tại các trường bán trú; nghề kỹ thuật lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện, được doanh nghiệp tuyển dụng, có việc làm ổn định với mức thu nhập bảo đảm cuộc sống. Nhiều học viên thành lập tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh: giống cây lâm nghiệp, trồng rau an toàn, chăn nuôi theo mô hình trang trại, dịch vụ sửa chữa máy nông nghiệp, tổ sản xuất nón lá... Thực tiễn cho thấy, sau đào tạo, đại đa số học viên phát huy kiến thức để phát triển mô hình, mở rộng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh có hiệu quả.

Theo http://www.langson.gov.vn/