Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Nông nghiệp và PTNT

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng kết mô hình chăn nuôi vịt thịt tạo vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP năm 2024 tại huyện Tràng Định

Ngày 06/11/2024, tại xã Hùng Việt huyện Tràng Định, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình chăn nuôi vịt thịt tạo vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP năm 2024.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định, Uỷ ban nhân dân các xã Hùng Việt, Tri Phương và 50 hộ nông dân (trong đó gồm 04 hộ tham gia dự án và 46 hộ nông dân quan tâm đến chăn nuôi vịt thương phẩm đến từ các xã: Tri Phương, Quốc Khánh, Chi Lăng, Đề Thám, Đại Đồng, Hùng Sơn) huyện Tràng Định.

Mô hình chăn nuôi vịt thịt tạo vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP năm 2024, quy mô 4.650 con vịt thịt giống Super M, triển khai tại 02 xã Hùng Việt và Tri Phương của huyện Tràng Định (mỗi xã có 02 hộ tham gia). Để tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm Khuyến nông đã bố trí cấp phát con giống và vật tư chăn nuôi cho các hộ tham gia tại xã Tri Phương và xã Hùng Việt làm 2 đợt khác nhau. Tại xã Tri Phương, thực hiện cấp phát hỗ trợ 2.000 con vịt giống và vật tư. Sau 56 ngày đưa vào thả nuôi, đàn vịt đạt trọng lượng bình quân 3,7 kg/con, đạt 100% chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đề ra. Tại xã Hùng Việt, thực hiện cấp phát hỗ trợ 2.650 con vịt giống và vật tư. Sau 45 ngày đưa vào thả nuôi, đàn vịt đạt trọng lượng bình quân 3,4 kg/con. Theo kế hoạch đề ra, đàn vịt đến 56 ngày tuổi sẽ cho xuất chuồng.

Về liên kết tiêu thụ sản phẩm, cơ sở vịt quay OCOP Thu Hằng ở thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định đã ký kết Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các hộ tham gia mô hình. Đến nay, đàn vịt thương phẩm 2.000 con giống Super M triển khai tại xã Tri Phương đã tiêu thụ hết và hộ dân đã tổ chức nuôi tái đàn với số lượng 1.000 con.

Hộ nông dân tham gia mô hình tại thôn Hát Khòn xã Hùng Việt chăm sóc đàn vịt giống Super M theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.

Thông qua quá trình triển khai mô hình, các hộ tham gia và các hộ nông dân có nhu cầu phát triển chăn nuôi vịt ở các xã lân cận đã tiếp nhận được kỹ thuật chăn nuôi quy mô lớn, quản lý theo quy trình an toàn sinh học, từng bước chuyển đổi chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ mang tính chất tận dụng sang chăn nuôi có sự đầu tư quy mô lớn, phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển sản phẩm OCOP thương hiệu “Vịt quay Lạng Sơn”; góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.

 

Nguyễn Duy Hà (Trung tâm Khuyến nông)