Tích cực triển khai thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm
Thực hiện Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 05/6/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021-2025”. Với vai trò là cơ quan thường trực Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và cơ quan liên quan triển khai thực Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan liên quan. Chủ động ban hành Kế hoạch số 29/KH-SNN ngày 11/3/2022 về thực hiện Đề án Chương trình OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2022, tăng cường chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện, đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thành phố trong triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo theo quy định.
Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức 02 hội nghị tập huấn cho trên 150 lượt người tham dự; tổ chức thành công 02 Hội nghị đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, kết quả đã có 34 sản phẩm được cấp GCN sản phẩm OCOP đạt 227% KH, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 120 sản phẩm (trong đó: 24 sản phẩm 4 sao; 96 SP 3 sao). Triển khai hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, đến nay đã hoàn thành hỗ trợ xây dựng 05 chuỗi liên kết: Chè huyện Đình Lập; Na Chi Lăng tại huyện Hữu Lũng; Rau tại huyện Cao Lộc; Nhựa thông, Khoai tây huyện Lộc Bình, đạt 100% chỉ tiêu giao. Hỗ trợ bàn giao 500.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 16 sản phẩm tại 04 huyện: Chi Lăng, Tràng Định, Văn Lãng, Bắc Sơn, Văn Quan. Chủ trì tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại 02 huyện: Đình Lập, Hữu Lũng, qua kiểm tra giám sát đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Thường xuyên phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức chương trình kết nối cung cầu sản phẩm OCOP gắn với các chương trình xúc tiến thương mại.
Một số sản phẩm OCOP trưng bày tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2022
Chương trình mỗi xã một sản phẩm trong năm 2022 được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả, góp phần phát huy các giá trị của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác triển khai thực hiện chương trình chưa thực sự sâu rộng, một số địa phương nắm bắt còn chưa đầy đủ, còn lúng túng trong công tác triển khai. Chủ thể tham gia đều là các doanh nghiệp nhỏ, Hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh còn khó khăn về nguồn vốn. Một số sản phẩm OCOP chất lượng và sản lượng còn thấp…
Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP, nâng cao chất lượng, sản lượng và quản lý chất lượng sản phẩm OCOP, trong năm 2023 cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tổ chức đổi mới hình thức, phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng về Chương trình OCOP; Đẩy mạnh Chương trình xúc tiến thương mại, phát triển các sản phẩm OCOP dựa trên thế mạnh lợi thế của địa phương; Tiếp tục lồng ghép hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP bằng nhiều nguồn vốn; Đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 và Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh nhằm triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm./.
Thực hiện: Vy Quỳnh - VPS