BẢO VỆ CÁ NUÔI AO, LỒNG BÈ TRONG MÙA MƯA BÃO
BẢO VỆ CÁ NUÔI AO, LỒNG BÈ TRONG MÙA MƯA BÃO
Phát triển nuôi cá lồng bè trên vùng lòng hồ đập Tà Keo, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình.
( Ảnh Nguyễn Duy Hà).
Hàng năm, mùa mưa bão ở nước ta thường xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 9 Dương lịch. Mưa to, gió lớn làm ảnh hưởng lớn đến thể trạng của cá nuôi trong ao, trong lồng bè, gây thiệt hại kinh tế với nhiều mức độ khác nhau. Vì vậy, người nuôi cá và thủy sản nói chung rất cần nắm vững các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ các loài thủy sản, đặc biệt là cá nuôi trong ao, trong lồng bè.
Đối với cá nuôi trong ao:
Ngay trước mùa mưa bão cần kiểm tra, tu sửa, ấp trúc lại bờ ao cho chắc chắn. Cần phát quang xung quanh bờ ao, tỉa các cành cây to nhằm tránh mưa gió gây gẫy cành, đổ cây vỡ bờ ao, lá cây rụng làm ô nhiễm ao nuôi.
Bờ ao phải cao hơn mực nước trong ao 50cm. Hệ thống ao nuôi phải có ống xả tràn khi nước trong ao quá lớn, hoặc chủ động tháo nước trong ao đề phòng mưa nhiều nước tràn bờ gây lở bờ ao; chuẩn bị lưới, đăng chắn, cọc tre để cắm khi nước tràn hoặc vỡ bờ, tránh việc cá thất thoát ra ngoài.
Khơi thông, nắn dòng chảy ở các khe, mương xung quanh ao để ngăn chặn nước mưa đổ về tràn bờ ao, giúp cho việc dẫn thoát nước được dễ dàng ra sông, suối.
Sau khi bão tan để lại nhiều tạp chất trong ao (lá rụng; xác chết gia súc, gia cầm; mùn bã hữu cơ ở các khu vực xung quanh...) gây ảnh hưởng lớn đến môi trường nước trong ao. Vì vậy, cần khẩn trương tiến hành vệ sinh, dọn dẹp ao nuôi, đồng thời tiến hành kiểm tra chất lượng môi trường nước trong ao để có biện pháp điều chỉnh phù hợp như bón vôi, xử lý hóa chất, men vi sinh... để ổn định môi trường nước trong ao. Những yếu tố làm ảnh hưởng đến môi trường thủy sản chủ yếu là: độ pH, Oxy hòa tan (DO), khí Carbonic (CO2), khí Ammonia (NH3), khí Nitrite (NO2) và khí Hydrogen sulfide (H2S) có ở đáy ao và trong môi trường nước ao.
Vệ sinh môi trường ao nuôi bằng các loại hóa chất và men vi sinh như sau:
- Vôi bột với liều lượng 03kg/100m3 nước ao. Phương pháp hòa vôi vào xô nước rồi dùng gáo té khắp mặt nước ao. Vôi có tác dụng ổn định độ PH trong môi trường nước, khử trùng, làm lắng đọng các chất vẩn để sạch nước ao.
- Thuốc tím (KmnO4) nồng độ 2–5g/m3 nước. Dùng Benzalkonium Chloride (BCB) nồng độ từ 0,2–5g/m3 nước, tác dụng khử trùng và tiêu diệt một số vi khuẩn ngoại ký sinh gây hại cho cá.
- Phèn xanh (CuSO4)) liều lượng 0,4-0,7g/m3nước; Formaline 20-30ml/m3nước phun té trực tiếp thuốc xuống ao.
- Dùng chế phẩm vi sinh EM gây màu nước cho ao, ức chế tiêu diệt tảo độc phát triển, phân giải các chất cặn bã, thức ăn dư thừa, bổ sung số lượng vi khuẩn có lợi, làm tăng hàm lượng ô-xy hòa tan trong ao nuôi.
- Sử dụng một số loại thuốc kháng sinh bằng cách phối trộn kháng sinh + VitaminC + thức ăn cho cá ăn. Liều lượng như sau:
+ Doxycycline 0,1-0,3g trộn đều trong 01kg thức ăn.
+ Oxytetracycline liều dùng 1-2g/kg thức ăn.
+ Sunfamid: Liều dùng 100-150 mg/kg cá/ngày.
+ Thuốc phối chế KN-04-12: 2-3 g/kg cá/ngày.
+ VitaminC 1-2g/100 kg cá/ngày.
Cho cá ăn liên tục từ 3-5 ngày để phòng bệnh.
Lưu ý: Khi sử dụng thuốc, bà con cần xem kỹ hướng dẫn cách sử dụng ghi trên bao bì.
Đối với cá nuôi lồng, bè trên sông, hồ:
Trước mùa mưa bão, cần kiểm tra lại lồng, bè nuôi cá. Gia cố lại lồng, bè bằng cách giằng buộc lại những chỗ yếu dễ bị hư hỏng, dây neo hệ thống khung lồng, hệ thống phao. Di chuyển lồng, bè vào nơi kín gió ở eo, vịnh, ngách sông hồ, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão làm va đập hư hỏng lồng, bè. Trong trường hợp không thể di chuyển tránh trú thì cần neo giữ chắc chắn.
Thường xuyên vệ sinh lồng, bè sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước. Treo túi vôi, thuốc tím khử trùng ở phía trước dòng chảy để phòng bệnh cho cá. Những nơi có dòng chảy lớn có thể dùng tấm phên để che chắn phía trước lồng, bè nuôi, nhằm giảm lưu tốc dòng chảy trực tiếp vào lồng, bè.
Chuẩn bị sẵn thuyền máy, phao cứu sinh cứu hộ để hỗ trợ khi cần thiết.
Chú ý: Đối với người nuôi cá lồng, bè tuyệt đối không ở lại chòi canh trên lồng, bè nuôi khi có mưa to gió lớn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người nuôi thủy sản.Có kế hoạch sơ tán dụng cụ, trang thiết bị, vật tư, máy móc, thức ăn… Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình mưa bão, mực nước lũ trên các con sông, hồ đập để chủ động đối phó, bảo vệ hiệu quả đối với lồng, bè cá nuôi. Đối với những vùng nuôi trũng thấp hay có lũ trên các sông có dòng chảy mạnh, người nuôi cá lồng, bè nên chọn đối tượng, hình thức nuôi ngắn ngày để thu hoạch trước mùa mưa bão là tốt nhất.
Sau khi bão tan, dòng nước đã rút ổn định, cần di chuyển lồng, bè về lại ở nơi thoáng gió trên mặt sông, mặt hồ cho phù hợp với yêu cầu kỹ thuật nuôi. Đồng thời, thực hiện ngay các biện pháp vệ sinh phòng bệnh tổng hợp cho cá nuôi lồng, bè bằng các biện pháp sau:
- Sử dụng 4-6 túi vôi bột từ 3-5 kg/túi treo xung quanh 4 góc lồng, bè và đầu dòng nước chảy.
- Treo 4-6 túi thuốc tím từ 2-4 g/túi xung quanh 4 góc lồng và đầu dòng nước chảy.
- Sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, Vitamin C phối trộn cùng thức ăn cho cá ăn liều lượng như sau:
+ Doxycycline 0,1-0,3gram trộn đều trong 01 kg thức ăn.
+ Oxytetracycline liều dùng 1-2gram/kg thức ăn
+ Sunfamid: Liều dùng 100-150 mg/kg cá/ngày.
+ Thuốc phối chế KN-04-12: 2-3 g/kg cá/ngày.
+ VitaminC 1-2g/100 kg cá/ngày.
Cho ăn liên tục từ 3-5 ngày để phòng bệnh. Cần chú ý thường xuyên theo dõi, quản lý cá nuôi trong ao, trong lồng nhằm kịp thời phát hiện./.
Linh Văn Khiêm (Trung tâm Khuyến nông)