Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Nông nghiệp và PTNT

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động trong chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2023 -2024 và phòng chống dịch bệnh, đói rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc Gia dự báo hiện tượng ENSO trong trạng thái La Nina tiếp tục duy trì trong thời kỳ từ nay đến tháng 03/2024 với xác suất khoảng từ 85-95%. Từ tháng 12/2023 - 01/2024 trên địa bàn tỉnh khả năng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại; trong tháng 02/2024 khả năng có nhiều ngày xảy ra rét đậm, rét hại; sương muối có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng; nền nhiệt trung bình trên toàn tỉnh từ tháng 11/2023 - 04/2024 phổ biến ở mức cao hơn TBNN khoảng 0,5 - 1,00C.

  Để chủ động trong sản xuất vụ Đông Xuân 2023 -2024 và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản giảm thiệt hại do thời tiết khí hậu gây ra. Ngày 14/11/2023 Sở nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn số 2809/SNN-TSKTTH trong đó hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, đói rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản cụ thể như sau:

1. Đối với lúa, cây rau, màu

- Theo dõi sát tình hình rét đậm, rét hại trên phương tiện thông tin đại chúng, chủ động che chắn cây trồng bằng nilon tránh mưa, rét, thực hiện biện pháp phòng chống rét cho cây trồng đảm bảo cho sinh trưởng và phát triển như: tưới đủ ẩm, Bón thêm phân kali, phân lân, giảm bón đạm, phun hoặc tưới một số chế phẩm sinh học như KH, PenacP…

- Chỉ đạo hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây vụ Đông, cây ăn quả và các loại hoa, cây cảnh khác đảm bảo sinh trưởng và phát triển, tăng hiệu quả kinh tế; chú trọng sản xuất nông sản an toàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp nhằm ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng giá vật tư ảnh hưởng tới sản xuất.

z4979289290429_99a477fa8c4f9d37189dd2f3ba2aa05d.jpg

(Ảnh sưu tầm)

- Với những diện tích thiệt hại nhẹ có thể khắc phục được: Tăng cường các biện pháp chăm sóc, tưới nước, bón phân hữu cơ hoại mực, phân NPK để cây ra thêm rễ mới, sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết.

* Đối với mạ, lúa: Chủ động gieo trồng những ngày thời tiết thuận lợi; tuyệt đối không gieo mạ những ngày nhiệt độ dưới 15oC.  Đối với những ruộng mạ đã gieo bà con cần che phủ; tăng cường bón tro bếp; giữ nước ở rãnh ở mức thích hợp để giữ ấm cho mạ. Trong những ngày có sương muối giá buốt, bà con cần tưới nước trên mặt lá làm tan sương để tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng. Cần dự phòng giống lúa có thời gian sinh trưởng cực ngắn để sẵn sàng gieo cấy bổ sung cho những diện tích mạ, lúa mới cấy chết rét.

2. Về Chăn nuôi - Thú y

Khuyến cáo người dân chủ động mua con giống khỏe mạnh ở các cơ sở có uy tín; con giống nằm trong Danh mục được phép sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam; áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng, chống đói, rét cho vật nuôi, như: Chủ động đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng; gia cố chuồng trại cho phù hợp để đảm bảo được phòng chống rét như: có hệ thống bạt, rèm che chắn chuồng để đảm bảo kín gió, ấm áp. Phải giữ cho nền chuồng khô ráo, có thể rải thêm rơm khô hoặc trấu vào chuồng; hoặc đốt sưởi trong những ngày nhiệt độ xuống thấp; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, diệt các loại côn trùng,… tại khu vực chăn nuôi; nhốt trâu bò tại chuồng, không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 120C; tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi theo định kỳ.

Chủ động đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, diệt các loại côn trùng,… tại khu vực chăn nuôi. Chiếu đèn, giữ ấm chuồng nuôi.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi. Rà soát, tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng được tiêm vắc xin, nhất là đối với bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu bò, tụ huyết trùng; đối với gia cầm (niu cát xơn, tụ huyết trùng…); lợn (tụ huyết trùng, dịch tả lợn...); dê (đậu dê, bệnh viêm ruột hoại tử, bệnh tụ huyết trùng, bệnh lở mồm long móng); bệnh dại chó mèo... Đồng thời, tạo nguồn lực góp phần vào phát triển chăn nuôi, phòng chống đói rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tăng cường giám sát dịch bệnh tại cơ sở nhằm phát hiện bệnh sớm, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh tại địa bàn; đặc biệt chú trọng kiểm tra các xã có ổ dịch cũ, kịp thời phát hiện và xử lý ngay các ổ dịch khi còn trong diện hẹp, không để dịch lây lan.

z4979289298261_7af5a35656dc949539592a55ec3d2d52.jpg

   3. Về thủy sản

- Trong thời gian giá rét, tuyệt đối không kéo lưới kiểm tra thủy sản nuôi, không thu hoạch theo cách đánh tỉa thả bù.

- Đối với thủy sản nuôi chưa đạt kích cỡ làm thương phẩm, đàn giống lưu, cần tăng cường các biện pháp chống rét, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh dịch và thời tiết xấu gây ra.

 

- Đối với nuôi cá lồng nên di chuyển lồng vào khu vực kín gió, có thể sử dụng nilon sáng màu để phủ kín mặt lồng nuôi hoặc thả sâu lồng nuôi 1,8 - 2,0 m./.

Tin: Diệu Huyền, Phòng TS KHTH