Sản xuất theo chuỗi giá trị - Xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường hiện nay
Câu chuyện “giải cứu nông sản” sẽ chỉ chấm dứt khi hoạt động sản xuất nông nghiệp thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch ở từng cơ sở và theo mô hình chuỗi giá trị có sự tham gia của “4 nhà”.
Những năm trước đây, bà con nông xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vô cùng khó khăn. Ngoài việc cấy 2 vụ lúa chiêm xuân và lúa mùa để giải quyết nguồn lương thực và phục vụ tại chỗ cho chăn nuôi trong gia đình, người nông dân Yên Khoái bố trí thêm vụ khoai tây Đông để có sản phẩm bán ra thị trường sau dịp Tết Nguyên đán của năm sau. Tuy nhiên việc tiêu thụ khoai tây vô cùng khó khăn khi thị trường thiếu tính ổn định, giá cả bấp bênh… đã có rất nhiều năm sản phẩm bị tồn đọng không bán được. Đây chính là bức tranh chung trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Từ năm 2006, người nông dân Yên Khoái bắt đầu làm quen với hình thức sản xuất mới – Sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Đó là việc liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Lạng Sơn sản xuất hạt giống lúa thuần. Tham gia vào chuỗi liên kết, bà con nông dân được hỗ trợ về kỹ thuật, ứng trước nguồn vốn vật tư và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Với hình thức sản xuất như vậy, người nông dân không còn phải lo tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình. Đồng thời, trong một số năm hoạt động, bà con nông dân dần làm quen với cách thức sản xuất mới, đồng thời tích lũy một số kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất tập thể - Đây cũng chính là tiền đề thuận lợi cho sự ra đời của Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp xã Yên Khoái hiện nay (sau đây gọi tắt là HTX).
Trước những nhu cầu của thị trường về hạt gạo chất lượng cao, từ năm 2015 đến nay, HTX chuyển sang liên kết sản xuất hạt gạo chất lượng cao dòng Japonica của Nhật Bản. Ông Ngô Trọng Thỉnh – GĐ Công ty CP Giống cây trồng Lạng Sơn cho biết: “Để tạo được tính bền vững trong chuỗi liên kết, doanh nghiệp chúng tôi có trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm, đồng thời để giảm bớt khó khăn cho người nông dân, chúng tôi còn hỗ trợ kiến thức kỹ thuật, bố trí ứng trước các loại vật tư kể cả thiết bị máy móc trong quá trình sản xuất”. Về hiệu quả trong quá trình liên kết sản xuất, ông Nông Văn Huy – Giám đốc HTX tâm sự: “Trước đây làm các giống lúa thông thường thì bà con chỉ bán được 6.500 – 6.700 đồng/kg thóc khô. Nhưng nay chuyển sang sản xuất gạo chất lượng cao, bà con bán được 7.000 đồng/kg thóc tươi. Như vậy giá trị thu nhập tăng thêm hơn gần 30% so với trước. Điều quan trọng nữa là bà con không mất công phơi sấy, bảo quản”.
Vụ Xuân 2018, HTX tiếp tục tổ chức sản xuất 10 ha lúa chất lượng cao dòng Japonica. Để giải quyết tốt tính thời vụ, đồng thời góp phần giải phóng sức lao động cho bà con nông dân thành viên HTX, Công ty CP Giống cây trồng Lạng Sơn lần đầu tiên tổ chức thực hiện phương pháp làm mạ khay tập trung và sử dụng 02 máy cấy dắt tay KUBOTA SPW-48C thực hiện trên diện tích 06 ha.
Về hiệu suất lao động, bà Lâm Thị Vân – Khuyến nông viên xã Yên Khoái cho biết: “Nếu như gieo cấy thông thường thì mỗi người (đều là phụ nữ) nhanh nhất cũng chỉ cấy được 01 sào Bắc Bộ/ngày. Nhưng với máy cấy (KUBOTA SPW-48C) thực hiện được khoảng 25 sào/ngày. Nếu như những thửa ruộng rộng lớn hơn thì hiệu suất lao động sẽ còn cao hơn nhiều”. Đây chính là điểm nhấn trong mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.
Trong xu thế hội nhập và tham gia vào nền kinh tế thị trường hiện nay, hình thức sản xuất cá thể, đơn lẻ không còn chỗ đứng mà tất yếu sẽ phải nhưỡng chỗ cho các hoạt động sản xuất tập thể, liên kết theo chuỗi giá trị. Bởi hình thức này đáp ứng tốt các yêu cầu về số lượng, sản lượng, độ đồng nhất về chất lượng, mẫu mã và tính tập trung của sản phẩm khi tham gia vào chuỗi thị trường./.
Bài, ảnh: Nguyễn Duy Hà
Trưởng Phòng Thông tin tuyên truyền
Trung tâm Khuyến nông
0916 193 658