Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Nông nghiệp và PTNT

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG ĐÓI, RÉT VÀ DỊCH BỆNH CHO TRÂU, BÒ TRONG GIÁ LẠNH

 

 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các tỉnh miền núi phía Bắc không khí lạnh tiếp tục tăng cường, nhiệt độ thấp phổ biến từ 10-13 độ, vùng núi 7-10 độ, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của đàn gia súc nói chung và trâu, bò nói riêng. Để phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho trâu, bò người chăn nuôi cần chú ý thực hiện các biện pháp sau:

 1. Chuồng trại: Trâu, bò phải được nuôi nhốt trong chuồng, tuyệt đối không để trâu, bò ngoài rừng qua đêm, đặc biệt ở những vùng núi cao. Chuồng trại phải được che chắn kín, chống gió lùa, mưa hắt bằng phên tre, bạt, bao tải hoặc các vật liệu sẵn có ở địa phương. Nền chuồng được trải rơm rạ, vỏ trấu, lá cây khô nhất là nền láng xi măng.

2. Chế độ ăn uống: Mùa đông thức ăn thô, xanh không có hoặc rất ít, chế độ ăn uống kham khổ kéo dài kết hợp với rét đậm làm sức khoẻ trâu, bò suy kiệt, năng lượng dự trữ giảm, khả năng đề kháng với rét và dịch bệnh kém. Tăng cường chế độ dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho trâu, bò là điều hết sức cần thiết trong những ngày cuối đông, đầu xuân.

- Vấn đề thức ăn thô, xanh và các phương pháp chế biến, dự trữ: Đối với gia súc nhai lại nói chung và trâu, bò nói riêng thức ăn thô, xanh có tầm quan trọng hàng đầu không thể thay thế được do đặc điểm sinh lý tiêu hoá của loài nhai lại.

+ Cắt cỏ phơi khô: là phương pháp đơn giản tiện lợi, đặc biệt quan trọng trong trường hợp chăn nuôi quy mô lớn. Có thể cắt cỏ tự nhiên hoặc cỏ trồng thâm canh. Nên thu hoạch vào khoảng tháng 10, khi thời tiết đã bắt đầu khô hanh, thuận tiện cho công tác phơi khô và bảo quản. Cỏ đã phơi khô bảo quản và cho trâu, bò ăn như rơm khô.

          + Ủ chua thức ăn: Thức ăn ủ chua có thể dự trữ cho trâu, bò ăn trong suốt mùa đông. Các loại cỏ trồng như cỏ Voi, vỏ VA-06, cỏ Ghi-nê..., cỏ tự nhiên đều có thể ủ chua. Cỏ thu hoạch lúc bánh tẻ, chưa quá già, băm nhỏ 3 - 5 cm, lèn chặt trong hố xây hoặc túi nilon. Trong điều kiện kín khí, dưới tác động của các loại vi khuẩn yếm khí, quá trình lên men diễn ra từ từ làm thức ăn có vị chua nhẹ, trâu, bò rất thích ăn. Sau khi ủ 1 tháng có thể cho ăn được, mỗi ngày cho 1 con trâu, bò ăn 3 - 5 kg bổ sung cùng rơm. Sau mỗi lần lấy cho gia súc ăn phải đậy kín, tránh không khí vào gây thối hỏng.

Đối với các loại cỏ trồng: cỏ Voi, cỏ VA-06... có hàm lượng đường cao nên khi ủ không cần cho thêm đường hoặc rỉ mật. Các loại cỏ tự nhiên có hàm lượng đường thấp cần cho thêm một ít đường hoặc rỉ mật với lượng khoảng 1 - 2% để thúc đẩy quá trình lên men.

+ Ủ rơm U-rê 4%: Nguồn thức ăn thô rất quan trọng có thể chủ động được trong mùa đông là rơm khô, tận thu tất cả số rơm rạ, phơi khô và dự trữ cho gia súc ăn. Nên ủ rơm U-rê cho trâu, bò ăn để tăng nguồn đạm phi prô-tê-in theo công thức sau:

- Rơm khô:               100 kg

- U-rê:                           4 kg

- Nước sạch:              100 lít

Cách làm: Hoà U-rê với nước, tưới đều lên rơm, sau đó cho vào túi ni-lon lèn chặt lại và bịt kín. Sau 7 - 10 ngày có thể cho trâu, bò ăn được. Mỗi ngày cho ăn 2 - 5 kg lẫn với rơm thường. Sau khi lấy rơm ủ cho trâu, bò ăn phải bịt kín bao để tránh khí a-mô-ni-ắc bay ra.

Ngoài rơm khô bà con nên tận dụng những thân cây ngô khô đập dập, chặt nhỏ cho ăn và ủ U-rê theo công thức trên.

Chú ý: 

Thứ nhất: Tuyệt đối không được cho trâu, bò uống nước hoà tan Urê vì Urê sẽ ngấm trực tiếp vào máu gây ngộ độc trâu, bò.

Thứ hai: Không cho bê, nghé ăn rơm ủ Urê vì hệ vi sinh vật trong dạ cỏ bê, nghé phát triển chưa đầy đủ, không có khả năng tiêu hoá được Urê.

           - Thức ăn tinh: vì lượng thức ăn thô xanh hiếm hoặc không có, để đảm bảo sức khoẻ cho đàn trâu, bò hàng ngày bà con nên bổ sung thêm thức ăn tinh có thể là cám gạo, bột ngô, bột sắn, thóc nghiền,... Nếu có điều kiện có thể phối chế thức ăn tinh hỗn hợp theo một số công thức sau:

Công thức 1 (Tính cho 100 kg thức ăn hỗn hợp):

- Bột sắn:                         85 kg

- Khô dầu các loại:          10 kg

- U-rê:                               3 kg

- Muối ăn:                         1 kg

- Bột xương:                      1 kg

Công thức 2 (Tính cho 100 kg thức ăn hỗn hợp):

- Bột sắn:                           45 kg

- Bột ngô:                          50 kg

- U-rê:                                3 kg

- Muối ăn:                          1 kg

- Bột xương:                       1 kg

Khi phối chế cần trộn thật đều các thành phần trên và bảo quản cẩn thận tránh để thức ăn bị mốc. Hàng ngày cho ăn 1 - 3 kg/con tuỳ trọng lượng trâu, bò và khả năng kinh tế của gia đình.

Như trên đã nói, vì lượng thức ăn thô, xanh hiếm bà con nên tận dụng rau già và thân cây chuối - nguồn thức ăn tương đối dồi dào thái nhỏ trộn với thức ăn tinh cho trâu, bò ăn.

- Nước uống: Hàng ngày cho trâu, bò uống nước ấm đầy đủ có pha thêm một chút muối ăn (nồng độ 0,1%, tức pha 10 g muối trong 10 lít nước).

3. Chế độ chăn thả: Những ngày rét hại nhiệt độ dưới 120C cần nuôi nhốt trâu, bò để chăm sóc tại chuồng, cho ăn uống đầy đủ. Khi thời tiết có nắng ấm, chỉ chăn thả trâu, bò khi có nắng lên và lùa về chuồng nuôi nhốt quản lý trước khi tắt nắng. Nên thả trâu, bò ở những nơi kín gió; có thể tạo áo khoác giữ ấm cho trâu, bò bằng bao tải, chăn bông cũ, có thể sử dụng chất đốt sưởi ấm cho đàn gia súc,…

Lưu ý: Những ngày rét đậm rét hại, trâu bò thường hay xảy ra bệnh cước chân, biểu hiện thấy da chân trâu, bò bị sưng phù, nứt nẻ, có hiện tượng xung huyết. Trường hợp bệnh nặng lớp biểu bì ở chân có chảy dịch màu vàng, tạo vết loét, gây nhiễm trùng, nếu không điều trị kịp thời tổ chức dưới da bị hoại tử làm cho con vật bị què, nặng hơn trâu, bò có thể kế phát các bệnh truyền nhiễm khác.

Trường hợp trâu, bò bị cước chân cần chú ý tăng cường giữ ấm cho trâu, bò; giữ nền chuồng luôn khô ráo; tăng cường cho ăn uống đầy đủ có bổ sung muối, khoáng, Vitamin. Bệnh cước chân mới xuất hiện có thể dùng gừng giã nhỏ hoà với rượu để xoa bóp hàng ngày, đồng thời cho trâu, bò vận động tại chuồng để tăng cường tuần hoàn máu tại chân, tránh hiện tượng sưng phù bệnh càng thêm nặng. Khi bệnh nặng cần báo cán bộ thú y để điều trị bằng kháng sinh cho trâu, bò.

4. Vệ sinh phòng bệnh: Cùng với phòng chống đói, rét cần đề phòng dịch bệnh cho trâu, bò. Chuồng trại lầy lội, bẩn thỉu vừa tích tụ nhiều loại độc tố ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ gia súc vừa là nguồn phát sinh tiềm tàng cho nhiều loại bệnh truyền nhiễm. Vì vậy chuồng trại trâu, bò phải luôn sạch sẽ, khô ráo. Đàn trâu, bò hàng năm phải được tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh theo quy định của cơ quan Thú y. Khi bị đói rét kéo dài, sức đề kháng của trâu bò giảm, đặc biệt về cuối mùa Đông, đầu mùa Xuân trâu, bò dễ bị nhiễm bệnh. Khi trâu, bò có dấu hiệu ốm, chết người chăn nuôi cần báo ngay cho cán bộ Thú y hoặc Chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp kịp thời và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng trên địa bàn./.

  Hoàng Thanh Hiếu - Nguyễn Duy Hà (Trung tâm Khuyến nông)