Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Nông nghiệp và PTNT

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị trực tuyến ba cấp triển khai cấp bách nhiệm vụ công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Sáng ngày 02/7/2024 đồng chí Lương Trọng Quỳnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì Hội nghị trực tuyến ba cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) triển khai cấp bách nhiệm vụ công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh, với 212 điểm cầu.

Tham dự tại phòng họp trực tuyến UBND tỉnh, phía Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và PTNT có đồng chí Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y và lãnh đạo Chi cục Kiểm dịch đồng vật vùng Lạng Sơn; Phía tỉnh có lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, cơ quan: Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Ngoại vụ, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn; Đại diện lãnh đạo các đoàn thể - tổ chức chính trị xã hội: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Tỉnh đoàn Thanh niên Công sản Hồ Chí Minh;

Phía Sở Nông nghiệp và PTNT có đồng chí Lý Việt Hưng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng chí Đinh Thị Thu - Phó Giám đốc Sở, đồng chí Nguyễn Nam Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y và Lãnh đạo các phòng Kế hoạch-Tài chính, Thủy sản-KTTH, Trung tâm Khuyến Nông, đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

Phòng họp trực tuyến cấp huyện thành phần gồm có: Thường trực Huyện ủy, Thành ủy; Đại diện lãnh đạo HĐND, UBND huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và các tổ chức chính trị -xã hội có liên quan; Đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi lợn trên địa bàn.

Phòng họp trực tuyến cấp xã thành phần gồm có: Lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã; Các tổ chức chính trị-xã hội; Công chức cấp xã có liên quan, Thú y viên, Khuyến nông viên xã; Trưởng các thôn và một số hộ chăn nuôi lợn có số lượng lớn trên địa bàn.

Đồng chí Lương Trọng Quỳnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị trực tuyến ba cấp triển khai cấp bách nhiệm vụ công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh

 

Tại Hội nghị, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có báo cáo về tình hình dịch bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2024 đến ngày 30/6, bệnh DTLCP xảy ra ở 2.874 hộ tại 579 thôn của 138 xã, phường trên địa bàn 11 huyện, thành phố; số lợn chết và tiêu hủy là 9.512 con (chiếm khoảng 5% tổng đàn lợn của tỉnh) với tổng trọng lượng tiêu hủy trên 434,2 tấn. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 118 xã, phường, thị trấn/11 huyện, thành phố chưa qua 21 ngày.

Trong báo cáo, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phân tích, làm rõ các nguyên nhân dẫn tới dịch bệnh DTLCP bùng phát, từ đó đưa ra nhận định tình hình dịch bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, số lợn chết phải tiêu hủy có khả năng lên tới trên 14-15% tổng đàn lợn của tỉnh nếu không thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong thời gian tới.

 

Đồng chí Lý Việt Hưng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu ý kiến tại Hội nghị trực tuyến ba cấp

 

Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã báo cáo các biện pháp phòng chống dịch Sở đã tổ chức triển khai thực hiện như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh DTPCP trên toàn tỉnh theo từng giai đoạn, diễn biến của dịch bệnh DTLCP; Thành lập các Đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh do lãnh đạo Sở làm trưởng đoàn đi kiểm tra thực tế tại một số xã, huyện dịch bệnh DTLCP đang có chiều hướng phát sinh và lây lan, đưa ra các giải pháp cụ thể đối với từng xã, từng huyện. Cơ quan chuyên môn Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã gửi 209 mẫu bệnh phẩm lợn ốm gửi xét nghiệm bệnh DTLCP (có 194 mẫu dương tính với bệnh DTLCP); Đầu tháng 6/2024 đã cử 3 tổ công tác (mỗi tổ 03 cán bộ kỹ thuật) xuống địa bàn 06 huyện trực tiếp hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và sẽ tiếp tục cử cán bộ hỗ trợ xuống địa bàn nếu huyện có nhu cầu cần hỗ trợ; Liên hệ với Công ty AVAC Việt Nam đề nghị hỗ trợ miễn phí 2.200 liều vắc xin DTLCP, cử cán bộ kỹ thuật phối hợp cùng huyện Bắc Sơn tiến hành tiêm phòng thử nghiệm đại trà tại 03 xã chưa có dịch tại huyện Bắc Sơn; Cấp phát trên 10.000 lít thuốc sát trùng, 5.500 đôi găng tay, 5.000 chiếc khẩu trang, 250 đôi ủng, 195 chai nước súc miệng cùng các vật tư thú y khác cho các huyện, thành phố phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh động vật…

Tại báo cáo, Sở Nông nghiệp và PTNT đã nêu các khó khăn, hạn chế trong công tác chống dịch trong thời gian qua, đồng thời đề ra cụ thể từng giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới.

 

Đồng chí Đinh Thị Thu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh DTLCP và đề xuất các giải pháp phòng chống dịch trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh

 

Trong chương trình, Hội nghị đã được nghe báo cáo của 3 huyện Bình Gia, Văn Quan và Bắc Sơn; 3 xã gồm xã Nhất Tiến (huyện Bắc Sơn), xã Hội Hoan (huyện Văn Lãng, xã Chiến Thắng (huyện Chi Lăng) về công tác phòng chống dịch bệnh DTLCP, các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm cũng như những khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh DTLCP trong thời gian qua, kế hoạch triển khai giai đoạn tiếp theo…

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường cũng đã có ý kiến theo lĩnh vực phụ trách về công tác phòng chống dịch bệnh DTLCP và các giải pháp trong thời gian tới.

 

Đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu cấp huyện và cấp xã

 

Phát biểu ý kiến, đồng chí Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nêu nhận định của Sở Nông nghiệp và PTNT là chính xác, mầm bệnh DTLCP lưu hành rất phức tạp, khắp mọi nơi mọi chỗ, đây là mầm bệnh nguy hiểm nhất trên đàn lợn của Việt Nam cũng như trên Thế giới, chính vì vậy cần nâng cao nhận thức nguy cơ về dịch bệnh. Đồng chí Cục trưởng Cục Thú y đề nghị về việc chống dịch DTLCP cần triển khai đồng bộ các giải pháp ở tất cả các địa phương; các địa phương cần thực hiện việc công bố dịch theo đúng quy định; cần thực hiện đúng và chuẩn quy trình kỹ thuật xử lý ổ dịch, vệ sinh tiêu độc sát trùng theo hướng dẫn; việc sử dụng vắc xin trong công tác phòng chống dịch.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu ý kiến tại Hội nghị trực tuyến ba cấp về công tác phòng chống dịch bệnh DTLCP của tỉnh Lạng Sơn

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lương Trọng Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố đã tích cực tham mưu, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh động vật nói chung và đặc biệt đối với bệnh DTLCP nói riêng. Tuy nhiên tại các địa phương vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong công tác phòng chống dịch. Trong thời gian tới, để khắc phục những hạn chế, khó khăn nhằm triển khai công tác chống dịch bệnh DTLCP có hiệu quả: Khống chế dịch nhanh nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện, cấp xã chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị, các nguồn lực trên địa bàn phối hợp, cùng vào cuộc để tổ chức triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch; UBND các huyện chủ động công bố dịch đối với các xã có đủ điều kiện theo quy định của Luật Thú y; Thành lập các tổ tiêu hủy, tổ phun tiêu độc khử trùng, quản lý chặt chẽ các hố chôn theo quy định; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định về phòng chống dịch; Các huyện, các xã chủ động từ ngân sách dự phòng địa phương hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, bố trí kinh phí chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư, dụng cụ, hoá chất sát trùng, vôi bột,… để chủ động ứng phó kịp thời bao vây dập tắt các ổ dịch ngay khi mới xảy ra trong diện hẹp; Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác phòng chống dịch thuộc thẩm quyền; Chịu trách nhiệm kiểm điểm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.

Các hộ chăn nuôi cần tiêu độc sát trùng 01 lần/ngày trong vòng một tuần đầu tiên và 03 lần/tuần trong hai tuần tiếp theo, thu gom phân rác, chất độn chuồng để ủ với vôi bột hoặc đốt; vệ sinh, tiêu độc chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi, dụng cụ thú y hàng ngày Căn cứ vào tình hình thực tế tại hộ gia đình có lợn bị tiêu hủy, nên áp dụng việc tiêu hủy toàn bộ số lợn trong chuồng để có thể tiêu diệt triệt để, tránh dây dưa, kéo dài làm phát tán vi rút ra môi trường; Người chăn nuôi chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường, khuyến cáo người chăn nuôi tiêm phòng vắc xin DTLCP theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn;

Đồng chí cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp PTNT xây dựng kế hoạch mua sắm vắc xin DTLCP, tham mưu với UBND tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ thuốc sát trùng và cấp phát cho các huyện, thành phố; Tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh DTLCP trên địa bàn; Chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; phối hợp cùng các đơn vị chức năng kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển động vật không đúng quy định; Thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật; kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đồng chí cũng đề nghị, yêu cầu các sở, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện cấp bách các nhiệm vụ trong công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh./.

Nguyễn Thị Bích Phượng – Chi cục Chăn nuôi và Thú y