Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Nông nghiệp và PTNT

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CÁCH PHÒNG BỆNH DẠI CHÓ, MÈO HIỆU QUẢ

            Bệnh Dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tử vong cho cả người và động vật. Vào mùa hè thời tiết nắng nóng cũng chính là mùa bùng phát dịch bệnh Dại mạnh nhất. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong 2 tháng đầu năm 2024, đã có 944 người bị chó cắn phải đi tiêm phòng vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại tại cơ sở y tế.

(Nhân viên thú y xã tiêm phòng Văcxin Dại cho đàn chó)

Theo số liệu báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y trong Quý I năm 2024 tổng đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có khoảng 129.625 con. Tuy nhiên, công tác tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo hàng năm chỉ đạt khoảng 35 – 40% so với tổng đàn. Do vậy, nguy cơ xảy ra bệnh Dại là rất cao, nhất là tại các ổ dịch cũ (trong năm 2023 có 06 ca bệnh Dại trên đàn chó). Để công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt kết quả cao thì việc tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo là biện pháp hữu hiệu nhất. Người dân cần thực hiện việc khai báo, đăng ký nuôi chó, mèo với UBND xã, phường, thị trấn và tuân thủ việc nuôi giữ chó, mèo trong khuôn viên gia đình, đồng thời xích nhốt, đeo rọ mõm cho chó để ngăn ngừa nguy cơ chó nhà bị chó dại tấn công. Theo quy định tại khoản 2, điều 7, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ, chủ vật nuôi không chấp hành việc quản lý chó nuôi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

(Ảnh chó nuôi được đeo vòng cổ nhận diện đã tiêm Vacxin Dại)

Thực hiện Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 17/01/2022 Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2022 – 2030. Trong đó, giai đoạn 2022-2025 quản lý và tiêm phòng vắc xin Dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi. Để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo hãy cùng chung tay thực hiện một số giải pháp sau: (1) Nuôi chó phải khai báo, đăng ký với chính quyền địa phương; (2) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương để tổ chức đợt tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo trên địa bàn vào tháng 4-5 hàng năm. Trước đợt tiêm phòng và trong thời gian triển khai tiêm phòng, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo hằng ngày trên các phương tiện truyền thông cho cộng đồng dân cư trên địa bàn về địa điểm và ngày tiêm phòng; (3) Người nuôi chó, mèo cần chủ động tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y; (4) Đối với chó, mèo thường xuyên thả rông khó bắt giữ thì cần chủ động bắt, xích, nhốt từ hôm trước khi có lịch triển khai tiêm phòng vắc xin dại của chính quyền địa phương và ngành thú y.

Bệnh Dại hoàn toàn có thể phòng được nếu 100% chó, mèo được tiêm phòng vắc xin Dại định kỳ hàng năm.

 

Tin bài và ảnh: Nông Đại Thế-Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lạng Sơn