Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Nông nghiệp và PTNT

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khẩn trương khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

 Chỉ trong tháng 5/2024, trên địa bàn tỉnh đã phát sinh 60 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) (tính đến 28/5) trên địa bàn 27 xã thuộc 8 huyện (Văn Lãng, Lộc Bình, Bắc Sơn, Chi Lăng, Cao Lộc, Hữu Lũng, Bình Gia, Văn Quan). Tổng số lợn buộc tiêu hủy là 800 con, với tổng trọng lượng gần 41 tấn.

Cán bộ thú y thực hiện tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh DTLCP cho đàn lợn của hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Bắc Sơn

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, các ổ bệnh DTLCP tái phát trong đợt này đã lây lan giữa các hộ trong cùng một thôn, lây giữa các xã trong cùng huyện. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn nhưng số ổ bệnh liên tục tăng.

Liên tục phát sinh ổ bệnh mới

Tại huyện Chi Lăng, từ cuối tháng 4/2024, ổ bệnh xuất hiện tại 1 hộ chăn nuôi của xã Vân An, và chỉ trong 28 ngày, số hộ có lợn bị bệnh DTLCP tại xã Vân An đã tăng lên 166 hộ, số lợn buộc phải tiêu hủy là 361 con/tổng đàn hơn 700 con của toàn xã. Không chỉ ở Vân An, tại xã Chiến Thắng, ngày 20/4 phát sinh ổ bệnh và chỉ sau 8 ngày đã có 61 hộ nuôi lợn buộc phải tiêu hủy (67 con). Hiện tại tình hình lây lan bệnh DTLCP tại xã Vân An, Chiến Thắng vẫn đang diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Châm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chi Lăng cho biết: “Thời điểm tháng 12/2023, ổ bệnh DTLCP xuất hiện tại xã Vân An, mặc dù đã khống chế nhưng vi-rút bệnh DTLCP vẫn tồn tại trong môi trường chăn nuôi, do vậy, khi người chăn nuôi xã Vân An tái đàn, cộng với việc mua con giống mang mầm bệnh đã khiến các ổ bệnh DTLCP liên tục phát sinh.

Ngoài huyện Chi Lăng, tại huyện Văn Quan, từ ngày 10/5 đến ngày 28/5, ổ bệnh DTLCP đã xuất hiện tại 2 xã Đồng Giáp và Điềm He. Đến nay đã có 36 hộ có lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy với số lượng 72 con, trọng lượng 4,3 tấn).

Không chỉ 2 huyện trên, số ổ bệnh DLLCP vẫn tiếp tục phát sinh tại 6 huyện khác (Văn Lãng, Lộc Bình, Bắc Sơn, Cao Lộc, Hữu Lũng, Bình Gia).

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chỉ trong thời gian ngắn, các ổ bệnh DTLCP tái phát tăng nhanh và lây lan trên diện rộng là do thời gian qua thời tiết nóng, mưa nhiều - đây là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh DTLCP trong môi trường phát triển. Cùng đó, việc người chăn nuôi chưa thực hiện tốt các quy trình về an toàn sinh học trong chăn nuôi, đồng thời nguồn lợn giống của các hộ mua về tái đàn không được kiểm soát…, những điều này dẫn đến bệnh DTLCP càng dễ phát sinh và lây lan.

"Vi-rút DTLCP có khả năng tồn tại trong môi trường trong thời gian dài, do vậy, người chăn nuôi lợn luôn phải chú trọng công tác khử khuẩn chuồng trại, vệ sinh môi trường chăn nuôi. Cùng đó, khi mua con giống về tái và tăng đàn nên chọn lựa nguồn con giống có đủ giấy tờ kiểm dịch thú y. Đồng thời nên bố trí khu vực chăn nuôi lợn giống mới, sau 21 ngày không có biểu hiện bệnh mới cho nhập đàn...”.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi  và Thú y tỉnh.

Quyết liệt khống chế

Trước diễn biến phức tạp của bệnh DTLCP, để kiểm soát, ngăn chặn các ổ bệnh DTLCP phát sinh mới và lây lan, thời điểm này, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là ở những nơi có ổ bệnh DTLCP tái phát đã khẩn trương triển khai một số biện pháp.

Huyện Lộc Bình là một trong những huyện có nhiều xã phát sinh ổ bệnh DTLCP nhất so với các huyện khác, ngành chuyên môn của huyện Lộc Bình đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống. Qua trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Bình, được biết, trước tình hình xuất hiện 7 ổ bệnh DTLCP trên địa bàn 5 xã, thị trấn (thị trấn Lộc Bình, Yên Khoái, Mẫu Sơn, Đông Quan, Thống Nhất), thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, trung tâm đã phối hợp với chính quyền các xã có ổ bệnh, cấp gần 280kg vôi bột cho người chăn nuôi và 473 lít hóa chất cho cán bộ thú y các xã để thực hiện phun tiêu độc khử trùng khu vực có ổ bệnh, phun khoanh vùng khu vực lân cận… nhằm bao vây khống chế các ổ bệnh.

Tương tự, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chi Lăng cũng đã và đang triển khai các biện pháp nhằm khoanh vùng, khống chế các ổ bệnh DTLCP lây lan. Ông Nguyễn Văn Châm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chi Lăng cho biết: “Ngay khi phát hiện ổ bệnh DTLCP trên địa bàn, trung tâm đã chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn, chính quyền các xã triển khai khoanh vùng, huy động phương tiện, vật tư, nhân lực để lấy mẫu kiểm tra, tổ chức tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh theo quy định. Đồng thời trung tâm còn thường xuyên cử cán bộ xuống địa bàn, phối hợp với chính quyền các xã nắm tình hình, tổ chức tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi lợn theo phương pháp an toàn, cẩn trọng và thực hiện đúng quy định khi tái đàn...".

Tại các huyện khác cũng vậy, kể từ khi xuất hiện các ổ bệnh DTLCP đến nay, UBND các huyện có ổ bệnh đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và chính quyền các xã trên địa bàn tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp để khống chế các ổ bệnh DTLCP. Theo đó, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện phát sinh ổ bệnh DTLCP đang tiếp tục cấp phát hóa chất cho các xã, thị trấn thực hiện phun liên tục 5 lần/tuần khu vực chuồng trại, còn đối với những xã, thị trấn chưa có ổ bệnh thì thực hiện phun định kỳ 2 lần/tuần.

Ông Hoàng Văn Oánh, thôn Bản Quyến, xã Khuất Xá (Lộc Bình) cho biết: "Hiện gia đình đang nuôi 15 con lợn và sắp đến thời kỳ xuất chuồng. Qua thông tin từ cán bộ thú y xã, gia đình biết tình hình bệnh DTLCP đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, để bảo vệ đàn lợn của gia đình không lây nhiễm bệnh, gia đình đã thực hiện phun tiêu độc khử trùng khu chuồng nuôi, đồng thời không để người lạ ra, vào khu vực chuồng nuôi...".

Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Để ngăn chặn, khống chế các ổ bệnh DTLCP, sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục thực hiện cấp hóa chất đến trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố để thực hiện phun khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi. Đồng thời, sở cũng có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các xã bám sát địa bàn quản lý, thường xuyên kiểm tra đàn lợn của các hộ nuôi để kịp thời xử lý nếu phát hiện lợn mắc bệnh DTLCP...".

Được biết, trong đợt này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cung ứng đầy đủ vật tư, thuốc sát trùng, kịp thời cho 11/11 huyện, thành phố. Tổng số hoá chất đã cấp cho các huyện và thành phố là 6.101 lít thuốc sát trùng Han-Iodine 10% và Benkocid.

Với sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp và của người dân hy vọng các ổ bệnh DTLCP sẽ được khống chế, góp phần giúp hoạt động chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định.

Nguồn: https://baolangson.vn/khan-truong-khong-che-benh-dich-ta-lon-chau-phi-5010030.html