Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Nông nghiệp và PTNT

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xã hội hóa trồng rừng:Thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp

Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh đề ra kế hoạch trồng mới 9.000 ha rừng, trong đó, nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ trồng rừng chỉ đáp ứng khoảng 15 – 20%. Do đó, những năm qua, công tác xã hội hóa trồng rừng được các cấp, ngành chức năng triển khai tích cực.

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra hiện trạng trồng rừng trên địa bàn huyện Văn Lãng

Tận dụng diện tích đất rừng lớn, năm 2000, gia đình ông Dương Văn Tân, xã Xuân Dượng, huyện Lộc Bình đã mạnh dạn đầu tư trồng 11 ha thông. Sau 15 năm, cây bắt đầu cho khai thác nhựa, đem lại thu nhập cho gia đình ông trên 100 triệu đồng/năm. Ông Tân cho biết: Nhận thấy rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2017 đến năm 2021, tôi đã mở rộng trồng 10 ha cây keo và bạch đàn. Đặc biệt, năm 2021, gia đình tôi được hỗ trợ vay 250 triệu đồng theo Nghị quyết 08 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 và Nghị quyết 15 ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 08 để trồng rừng. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năm 2023, tôi đã khai thác 4 ha keo, bạch đàn, thu nhập được 300 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế cao nên khai thác đến đâu, tôi trồng rừng mới đến đó.

Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh trồng mới trên 9.000 ha rừng, vượt kế hoạch đề ra. Đơn cử, trong năm 2023, diện tích trồng rừng mới đạt hơn 9.800 ha, vượt 9,2% kế hoạch. Trong đó, 8.695,71 ha ha rừng trồng mới từ nguồn xã hội hóa do các công ty, doanh nghiệp, người dân đầu tư. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh trồng mới khoảng 3.500 ha rừng.

Không chỉ gia đình ông Tân, những năm qua, bà con nông dân trên địa bàn các xã khác của huyện Lộc Bình đã tích cực trồng, phát triển rừng, người dân không còn trông chờ vào các dự án hỗ trợ mà đã tự đầu tư mở rộng diện tích trồng rừng.

Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Những năm qua, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ rừng đem lại, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư phát triển rừng. Năm 2023, toàn huyện trồng mới 1.200 ha rừng, đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, 100% diện tích là người dân và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình đầu tư trồng. Việc xã hội hóa trồng rừng đóng vai trò quan trọng vào thực hiện chỉ tiêu trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp của huyện. Năm 2024, toàn huyện có kế hoạch trồng 1.000 – 1.200 ha rừng, đến nay, đã trồng được 180 ha, chủ yếu là nguồn từ xã hội hóa.

Người dân xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng chăm sóc rừng keo

Cùng với huyện Lộc Bình, công tác xã hội hóa trồng rừng trong những năm qua đã phát triển rộng khắp toàn tỉnh, điển hình như các huyện: Hữu Lũng, Đình Lập, Chi Lăng... Toàn tỉnh có diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp là trên 617.973,34 ha, chiếm 74,3% tổng diện tự nhiên. Hằng năm, chỉ tiêu trồng rừng trên địa bàn tỉnh là 9.000 ha. Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm, trung bình mỗi năm, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ cho trồng rừng thấp, chỉ đáp ứng khoảng 15 – 20%. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu phát triển rừng, chi cục đã đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo vệ và phát triển rừng.

Cùng đó, các cấp, ngành chức năng đã tích cực triển khai các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng. Theo đó, trong năm 2023, các cấp, ngành chức năng đã thực hiện hỗ trợ cho 57 nhà đầu tư được vay vốn với tổng số tiền trên 31,3 tỷ đồng để đầu tư trồng rừng, phát triển lâm nghiệp theo Nghị quyết 08 và Nghị quyết 15 của HĐND tỉnh.

Đồng thời, nhằm đẩy nhanh công tác xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng, các đơn vị liên quan đã đẩy mạnh tuyên truyền. Theo đó, từ năm 2023 đến nay, phòng chuyên môn, hạt kiểm lâm các huyện, thành phố đã tổ chức tuyên tuyền thông qua các hội nghị, cuộc họp được 285 cuộc với hơn 19.883 lượt người tham gia. Qua đó, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng việc phát triển kinh tế rừng và chủ động đầu tư trồng rừng.

Nhờ đó, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh trồng mới trên 9.000 ha rừng, vượt kế hoạch đề ra. Đơn cử, trong năm 2023, diện tích trồng rừng mới đạt hơn 9.800 ha, vượt 9,2% kế hoạch. Trong đó, 8.695,71 ha ha rừng trồng mới từ nguồn xã hội hóa do các công ty, doanh nghiệp, người dân đầu tư. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh trồng mới khoảng 3.500 ha rừng. Diện tích đất có rừng tăng qua các năm, từ 518.766,49 ha năm 2020 lên 578.021,08 ha năm 2023, độ che phủ rừng đạt 64% năm 2023 (tăng 1% so với năm 2020).

Từ việc phát triển rừng đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ngành lâm nghiệp. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng ngành lâm nghiệp tăng 14,21% so với năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Những năm qua, công tác xã hội hóa trồng rừng đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chỉ tiêu trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên tuyền về quản lý bảo vệ và phát triển rừng để thúc đẩy xã hội hóa trồng rừng. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện triển khai các chính sách hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp để người dân, doanh nghiệp tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy lĩnh vực lâm nghiệp phát triển bền vững.

Như vậy, có thể thấy, công tác xã hội hóa trồng rừng đang ngày càng được người dân, các doanh nghiệp quan tâm, hưởng ứng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp, đặc biệt, góp phần thực hiện hiệu quả đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ.

Nguồn:https://baolangson.vn/xa-hoi-hoa-trong-rung-thuc-day-kinh-te-lam-nghiep-5007319.html