Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc cây Hồi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
I. GIỚI THIỆU CHUNG
Cây hồi (Illicium verum Hook), thuộc giống Illicium, họ Liliaceae, là cây có giá trị kinh tế cao, phân bố chủ yếu ở một số tỉnh như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng. Hồi là cây đặc sản thế mạnh của tỉnh Lạng Sơn, có giá trị kinh tế cao, tiềm năng phát triển rất lớn.
Rừng Hồi tại thôn Nà Tèn xã Hải Yến huyện Cao Lộc
Ảnh Đức Tuấn, TTDVNN huyện Cao Lộc
II. ĐIỀU KIỆN SINH THÁI
- Hồi sinh trưởng phát triển tốt ở khu vực có độ cao từ 200-800m trên đất đồi núi có độ dốc thoải (<300).
- Thích hợp với khí hậu ẩm, mát. Nhiệt độ bình quân năm 20- 220C, nhiệt độ tối cao 39-400C, nhiệt độ tối thấp -10C, lượng mưa bình quân năm 1.200 - 1.500mm, độ ẩm không khí bình quân 80%.
- Đất đai: Hồi là cây có khả năng sinh trưởng tốt trên đất feralit màu nâu, vàng đỏ đến màu đỏ và phát triển trên đá mẹ macma axit, sa thạch và phiến thạch. Thành phần cơ giới thịt nặng đến sét nhẹ, nhiều mùn, tầng đất dày, xốp ẩm, tỷ lệ đá lẫn ít, đất còn tính chất đất rừng, thoát nước tốt, khả năng giữ nước tốt, đất chua.
- Thực bì: Hồi là cây chịu bóng trong giai đoạn đầu.
III. KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG HỒI
1. Nhân giống bằng hạt: Chọn hạt làm giống từ những cây trong rừng giống được công nhận, có độ tuổi từ 20-40 tuổi; những cây sai quả, có hàm lượng và chất lượng tinh dầu tốt nhất, có tán lá tròn đều, dài, cân đối, sức sống tốt, không sâu bệnh; quả có 8 cánh to đều.
2. Nhân giống bằng ghép nêm trên gốc ghép
- Tiêu chuẩn cây gốc ghép
Cây con sử dụng làm gốc ghép là cây được gieo từ hạt, cây đạt 2 năm tuổi, đã được chăm sóc tốt và cây đạt các tiêu chuẩn sau: Chiều cao cây: 50 - 80 cm; Đường kính gốc: 0,5 - 0,8 cm; Thân thẳng, lá không bị dị dạng, không sâu bệnh. Ngưng tưới thúc phân ít nhất 15 ngày trước khi ghép.
- Tiêu chuẩn cành ghép: cành ghép được lấy từ cây mẹ đã công nhận. Cây có năng suất quả cao và ổn định; năng suất quả trung bình: 35kg/cây/năm trở lên, các chỉ tiêu về hàm lượng, chất lượng tinh dầu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; cây có tuổi từ 15 năm trở lên; cây sinh trưởng khỏe, tán đều và không sâu bệnh. Chọn cành ở phía ngoài của tán cây được chiếu sáng đầy đủ; cành có đỉnh sinh trưởng, chưa bật lộc non, đường kính cành từ 3,0 - 5,0mm, chiều dài cành tối thiểu từ 7 -10cm, không có vết sâu bệnh.
IV. KỸ THUẬT TRỒNG, THÂM CANH CÂY HỒI
- Tiêu chuẩn cây giống Hồi
TT | Tiêu chuẩn | Kích thước bầu (9x12 cm) | Kích thước bầu (13x18 cm) |
1 | Tuổi cây | ≥ 18 tháng | > 28 tháng |
2 | ĐK cổ rễ | Do ≥ 0,5 cm | Do ≥ 0,8 cm |
3 | Chiều cao | Hvn ≥ 40 cm | Hvn > 80 cm |
4 | Sinh trưởng | Cây sinh trưởng tốt, tán lá đều, xanh đậm, thân cây cứng cáp, đỉnh sinh trưởng không cao quá 2 cm, không sâu bệnh, không cụt ngọn. |
2. Trồng cây:
a) Thời vụ trồng: Vụ xuân, xuân hè và vụ thu, tiến hành trồng vào những ngày râm mát mưa đất ẩm, tránh trồng vào những lúc mưa lớn, những ngày trời nắng khô hanh.
b) Mật độ trồng: 500 cây/ha, cây cách cây 4 m, hàng cách hàng 5 m.
c) Kỹ thuật trồng
- Đào hố trước khi trồng 2 tháng với kích thước 40x40x40 cm. Hố trên các hàng bố trí so le theo hình nanh sấu.
- Trước khi trồng 10-15 ngày, tiến hành lấp hố và kết hợp bón lót bằng cách lấy phần đất mặt trộn đều với 2 kg phân chuồng hoai hoặc 500g phân vi sinh hoặc 200g phân NPK (5.10.3) rồi lấp xuống hố, vun hình mui rùa cao hơn mặt hố từ 2 - 3 cm.
- Hố sau khi đã được lấp đầy, dùng cuốc moi đất ở chính giữa hố, khơi rộng lòng hố vừa đủ và sâu hơn kích thước bầu đem trồng; dùng dao sắc rạch vỏ bầu và không được làm vỡ bầu; đặt cây thẳng đứng trong lòng hố, lấp đất đầy hố, ấn chặt đất quanh bầu, tiếp tục lấp đất đầy cao hơn cổ rễ 2 – 3cm. Sau khi trồng, thường xuyên kiểm tra để trồng dặm các cây bị chết.
3. Chăm sóc rừng trồng: Rừng trồng Hồi được chăm sóc trong 5 năm đầu sau trồng, cụ thể như sau:
3.1. Năm thứ nhất: Chăm sóc 1-2 lần
- Thời gian chăm sóc:
+ Nếu trồng vụ xuân chăm sóc 2 lần vào tháng 4 - 5 và tháng 10 - 11.
+ Nếu trồng vào vụ thu chăm sóc 1 lần vào tháng 10 - 11.
- Cách thức chăm sóc: Phát quang thực bì, dây leo cỏ dại xâm lấn cây mới trồng, làm cỏ xới gốc đường kính 1m gốc cây mới trồng. Khi chăm sóc kết hợp với trồng bổ sung những cây chết, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Nếu trồng thuần loài tập trung xen cây nông nghiệp thì khi chăm sóc cho cây nông nghiệp cũng là chăm sóc cho Hồi; phải luôn luôn chú ý không để cây nông nghiệp và cây phù trợ khác cạnh tranh với Hồi về ánh sáng và độ ẩm đất.
3.2. Năm thứ 2: Chăm sóc 3 lần
+ Lần 1: Chăm sóc vào tháng 1-2; Phát dây leo, bụi rậm, cỏ dại xâm lấn.
+ Lần 2: Chăm sóc vào tháng 4-5; Làm cỏ, vun xới gốc đường kính 1m kết hợp với bón phân. Bón phân NPK (12.5.10), liều lượng 30g/cây hoặc phân chuồng hoai 2kg/cây bằng cách rải phân xung quanh gốc cách gốc cây khoảng 30 -40 cm về phía trên sườn dốc, cho phân vào rạch phía trên rồi lấp lại.
+ Lần 3: Chăm sóc vào tháng 10-11; Phát thực bì, dây leo cây bụi xâm lấn.
3.3. Năm thứ 3, 4 và năm thứ 5: Mỗi năm chăm sóc 2 lần.
+ Lần 1: Chăm sóc vào tháng 4-5; Phát thực bì, dây leo, cây bụi xâm lấn, vun xới gốc đường kính 1m kết hợp với loại bỏ cây phù trợ bằng cách ken chết cây phù trợ.
+ Lần 2: Chăm sóc vào tháng 10-11; Phát thực bì, dây leo; Làm cỏ, vun xới gốc đường kính 1m kết hợp với bón phân. Bón phân NPK (12.5.10), liều lượng 30g/cây hoặc phân chuồng hoai 2kg/cây bằng cách rải phân xung quanh gốc cách gốc cây khoảng 30 -40 cm về phía trên sườn dốc, cho phân vào rạch phía trên rồi lấp lại.
3.4. Chăm sóc rừng Hồi từ năm thứ 6 trở lên: Hàng năm chăm sóc rừng Hồi 2 lần/năm:
- Lần 1: Vào tháng 4-5 phát thực bì, làm cỏ, cuốc xới đất xung quanh gốc theo đường kính tán cây, đập nhỏ và phơi đất để diệt trừ mầm sâu bệnh.
- Lần 2: Chăm sóc vào tháng 10 - 11 sau khi thu hoạch quả vụ chính, phát thực bì trên toàn diện tích, cuốc, xới đất theo tán cây để diệt trừ mầm sâu bệnh, bón phân.
4. Nuôi dưỡng rừng hồi gồm: Tỉa cành, tạo tán và Tỉa thưa.
5. Bón phân cho cây hồi:
a)Phân bón dưới đất: Loại phân bón có thể dùng một trong các loại phân sau để bón cho cây hồi: Phân bón hữu cơ vi sinh Sông Gianh, Phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm đỏ, Phân hữu cơ vi sinh cao cấp đầu trâu, phân bón NPK Tiến Hiếu 2 (NPK 5.10.3)…
- Tuổi cây bón: Cây hồi < 10 tuổi bón 2kg/cây; Cây hồi 10 - 20 tuổi bón 4kg/cây; Cây hồi > 20 tuổi bón 6kg/cây.
- Thời gian bón: bón vào 2 đợt, đợt 1 vào tháng 10- tháng 11 (bón 50% số phân), đợt 2 vào tháng 4- tháng 5 (bón 50% số phân còn lại).
- Cách bón: Đào rãnh sâu khoảng 20 - 30cm, rộng 20cm theo hình chiếu của tán cây, khi bón phân thực hiện rải đều phân vào rãnh theo hình chiếu tán cây, sau đó lấp đất lại (hạn chế rửa trôi).
b)Phân phun trên lá: Loại phân sử dụng một trong các loại phân bón lá có hàm lượng Bo cao (Canxi bo hữu cơ, Canxi bo amino, Siêu canxi bo, Canxi bo Hợp Trí, Kali canxi bo, …)
- Thời gian phun: Mỗi vụ quả tiến hành phun 2 đợt: Đợt 1: khi mới đậu quả; đợt 2: khi quả lớn bằng đầu đũa.
Bài: Diệu Huyền (Phòng TSKTTH)