Cựu thanh niên xung phong làm giàu từ trồng chè dưới tán hồi
Trải qua những năm tháng cống hiến tuổi xuân cho đất nước, trở về đời thường, bà Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1954), khối phố Yên Bình, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia đã năng động phát triển kinh tế với mô hình trồng cây chè dưới tán hồi, đem lại thu nhập 250 triệu đồng/năm.
Có dịp đến thị trấn Bình Gia công tác vào những ngày trung tuần tháng 2/2024, vượt qua 3 km đường đất đá, nhỏ hẹp, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi cánh rừng hồi và chè xanh ngút ngàn của gia đình bà Nguyễn Thị Dung. Bà Dung chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên tại Bình Gia. Năm 1972, tôi tham gia lực lượng thanh niên xung phong và nhận nhiệm vụ công tác tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Đến năm 1975, tôi trở về quê hương, lập gia đình rồi tập trung phát triển kinh tế. Thời điểm đó, gia đình chỉ trông chờ vào vài ba sào ruộng do ông bà để lại nên cuộc sống rất khó khăn.
Không cam chịu nghèo khó, năm 1987, với số vốn dành dụm được, bà Dung bắt tay vào chăn nuôi lợn với quy mô 30 con nái. Tuy nhiên, việc chăn nuôi không được thuận lợi, kinh tế gia đình vẫn nhiều khó khăn. Nhận thấy địa phương có thế mạnh phát triển cây chè dưới tán hồi, bà Dung đã chủ động cải tạo diện tích rừng hồi của gia đình để trồng chè dưới tán và mở rộng diện tích rừng trồng theo từng năm.
Để có thêm kiến thức, kỹ năng chăm sóc cây hồi và chè, bà chủ động học hỏi thêm kinh nghiệm trên sách báo, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn lồng ghép, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức. Thông qua các lớp tập huấn, bà Dung đã áp dụng biện pháp trồng hồi theo hướng hữu cơ và trồng chè theo hướng VietGAP. Đến nay, gia đình bà đã có trên 7 ha hồi hữu cơ và 5 ha chè VietGAP.
Năm 2022, gia đình bà Dung được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cây chè giống, vật tư, phân bón và được hỗ trợ lắp đặt máy vò chè, máy sao chè, máy hút chân không. Sau khi được trang bị máy móc, bà Dung chủ động đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đồng thời, tăng cường quảng bá sản phẩm chè dưới tán hồi trên các nền tảng mạng xã hội để mở rộng thị trường. Năm 2023, sản phẩm chè dưới tán hồi của bà Nguyễn Thị Dung đạt sản phẩm OCOP 3 sao (chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp huyện. Nhờ tăng cường quảng bá thương hiệu, sản phẩm chè dưới tán hồi của gia đình không chỉ được khách hàng trong huyện tìm mua mà còn có nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Thái Nguyên… đặt mua và sử dụng sản phẩm. Từ năm 2022 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình xuất bán trên 1 tấn chè khô, với giá bán từ 200.000 đến 300.000 đồng/kg (tùy loại), đem lại cho gia đình bà thu nhập trên 250 triệu đồng, tạo việc làm thêm cho 3 – 4 lao động thời vụ tại địa phương.
Ông Nông Ngọc Dương, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Bình Gia nhận xét: Những năm qua, bà Nguyễn Thị Dung luôn là hội viên tiêu biểu, tích cực trong các phong trào thi đua do hội triển khai. Không chỉ tích cực trong phát triển kinh tế, bà còn là người gương mẫu, giàu lòng tương thân, tương ái trong phong trào nghĩa tình đồng đội, luôn quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm đến các hội viên khác để cùng phát triển kinh tế.
Với những nỗ lực và cố gắng đó, nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Dung đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành. Tháng 1/2024, bà Dung vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.
Nguồn: https://baolangson.vn/cuu-thanh-nien-xung-phong-lam-giau-tu-trong-che-duoi-tan-hoi-5001389.html