Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Nông nghiệp và PTNT

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hồng Phong: Giảm nghèo bền vững từ rừng

Xác định kinh tế rừng đóng vai trò quan trọng giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Hồng Phong, huyện Bình Gia đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển các giống cây có giá trị kinh tế cao.

Người dân xã Hồng Phong thu hoạch hồi

Gia đình ông Vương Văn Thành ở thôn Nà Ven trước đây chỉ thâm canh cây lúa, cây ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ nên kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Nhận thấy cây mỡ là loại cây có giá trị kinh tế cao nên gia đình đã tận dụng nguồn đất sẵn có quyết tâm làm giàu từ cây trồng này.

Ông Thành chia sẻ: Năm 2010, gia đình tôi đã cải tạo đất đồi bỏ hoang để đầu tư trồng 2 ha cây mỡ. Trong quá trình trồng và chăm sóc, tôi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do huyện tổ chức tại xã nên tôi có kiến thức để vận dụng vào thực tiễn. Nhờ đó, sau 13 năm trồng và chăm sóc, đến năm 2023 gia đình được khai thác 2 ha cây mỡ đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi đang tiếp tục chăm sóc diện tích mỡ tái sinh sau khai thác.

Còn đối với gia đình anh Hoàng Văn Cương, thôn Kim Liên, nhờ đầu tư trồng cây hồi mà gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo. Anh Cương chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Năm 2018, được cán bộ xã tuyên truyền, tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để trồng, chăm sóc 4 ha hồi. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình thu hoạch trên 4 tấn hồi, thu nhập 160 triệu đồng/năm. Nhờ đầu tư hiệu quả, gia đình tôi thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, có vốn hiện gia đình tôi tiếp tục trồng mới thêm 2 ha mỡ.

“Hồng Phong là một trong những xã có phong trào trồng rừng tốt của huyện (tốp 3 xã có diện tích rừng lớn nhất huyện). Những năm qua, nhận thấy hiệu quả từ kinh tế đồi rừng đem lại, người dân trên địa bàn xã đã tích cực trồng rừng đem lại thu nhập cao, góp phần thực hiện tiêu chí giảm nghèo và thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, từ một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện, đến hết năm 2023, xã Hồng Phong đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Hằng năm, sau khi khai thác, người dân đều chủ động đầu tư trồng rừng mới, qua đó, nâng tỷ lệ che phủ rừng của xã đến nay đạt gần 70%”.

Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia

Không chỉ gia đình ông Thành, anh Cương, những năm qua, nhận thấy giá trị kinh tế từ việc trồng rừng, người dân xã Hồng Phong đã chủ động trồng rừng và mở rộng diện tích qua các năm, đặc biệt từ năm 2015 đến nay, phong trào trồng rừng ở xã phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, phong trào trồng rừng phát triển tại 9/9 thôn, toàn xã có 853 hộ dân, trong đó có 90% số hộ phát triển trồng rừng.

Ông Vương Văn Son, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Với diện tích đất lâm nghiệp là 6.203 ha (chiếm 88,8% diện tích đất tự nhiên), xã Hồng Phong có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế đồi rừng. Để phát huy lợi thế, hằng năm, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức 5 - 6 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng tại các thôn. Đặc biệt, UBND xã còn hướng dẫn bà con vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển trồng rừng, đến nay, toàn xã có trên 600 hộ vay vốn với dư nợ trên 30 tỷ đồng, trong đó số hộ vay vốn để trồng rừng là 458 hộ với dư nợ 25,8 tỷ đồng.

Nhờ sự định hướng của xã và sự chủ động của người dân, diện tích rừng của xã ngày càng được nâng lên, hiện là trên 1.071 ha, người dân chủ yếu trồng cây hồi, keo, mỡ, bạch đàn... Năm 2023, xã Hồng Phong đã thành lập được tổ hợp tác sản xuất hồi hữu cơ, theo đó, từ tháng 6/2023, 40 hộ trồng hồi trên địa bàn xã đã thực hiện chăm sóc hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hồi trên địa bàn xã.

Hiệu quả kinh tế từ rừng đã và đang giúp nhiều người dân trên địa bàn xã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Toàn xã hiện có gần 200 hộ có thu nhập cao từ rừng, với mức thu nhập bình quân đạt từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/hộ/năm trở lên, nhiều hộ có thu nhập lên đến 500 triệu đồng/năm. Nguồn thu từ phát triển rừng của xã trong hai năm trở lại đây đạt trên 5,7 tỷ đồng/năm. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 5,62% (giảm 9,72% so với năm 2022); thu nhập bình quân đạt 42,1 triệu đồng/người/năm (tăng 8,1 triệu đồng/người/năm so với năm 2022).

Nguồn:https://baolangson.vn/hong-phong-giam-ngheo-ben-vung-tu-rung-5001741.html