Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Nông nghiệp và PTNT

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn kỹ thuật: Kiểm soát bệnh lý hô hấp trên đàn lợn

Do nhiệt độ, ẩm độ trong môi trường và chuồng quá cao hay quá thấp, tốc độ gió quá mạnh, thông thoáng khí quá kém sẽ làm gia tăng tích tụ khí độc trong chuồng (NH3, CO2…)… có thể gây nên rối loạn sinh lý, giảm sức đề kháng, tổn thương đường hô hấp… thuận lợi cho sự tồn tại, xâm nhiễm, lây nhiễm và gây bệnh của vi sinh vật gây bệnh trên đường hô hấp (M. hyopneumonia,  H. parasuis, P. multocida, B. bronchiseptica,  APP,  Streptococcus,  PRRSV,  virus cúm…).

         Để phòng bệnh lý hô hấp trên đàn lợn, người chăn nuôi cần thực hiện quy trình vệ sinh – tiêu độc thường xuyên và nghiêm ngặt, đúng yêu cầu kỹ thuật. Tiến hành tiêu độc toàn bộ không gian chuồng trại (nền, thành, không gian chuồng phía trên…) ít nhất 1 tuần/một lần. Biện pháp này sẽ làm giảm mầm bệnh trong chuồng nuôi, hạn chế sự lây truyền mầm bệnh qua không khí, đường lây truyền quan trọng của vi sinh vật gây bệnh lý hô hấp, giúp giảm nguy cơ bệnh ở heo sau cai sữa.

          1. Miễn dịch trên đàn lợn nái

  Tiêm vắc-xin phòng các bệnh do M. hyopneumonia, H. parasuis, P. multocida, B. bronchiseptica, APP, Streptococcus, PRRSV, PCV2, virus cúm… trên toàn bộ đàn nái. Đặc biệt lưu ý nái hậu bị là đối tượng có miễn dịch kém nhất trong đàn nái, vì thế cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ, đúng quy trình, kỹ thuật các loại vắc-xin nói trên cho hậu bị trước khi chúng được đưa vào đàn sinh sản.

          2. Miễn dịch ở lợn con theo mẹ

       Lợn con được sinh ra từ nái được tiêm vắc-xin sẽ có miễn dịch tốt hơn, giúp lợn con tránh được tình trạng nhiễm sớm các tác nhân gây bệnh lý hô hấp ở giai đoạn theo mẹ. Tuy nhiên, lợn con phải nhận được đầy đủ miễn dịch mẹ truyền thông qua sữa đầu và sữa nái suốt giai đoạn theo mẹ. Do vậy cần đảm bảo cho lợn mẹ phải tiết được sữa nhiều và lợn con phải được bú sữa đầu đầy đủ trong vòng 12 tiếng sau khi sinh. Miễn dịch ở lợn con theo mẹ đối với M. hyopneumonia, PRRS virus thường không được đảm bảo đến sau cai sữa, vì thế lợn con theo mẹ thường được tiêm 2 loại vắc-xin này để phòng bệnh cho lợn giai đoạn cai sữa.

          3. Miễn dịch ở lợn sau cai sữa

  Miễn dịch lợn mẹ truyền đối với các tác nhân H. parasuis, P. multocida, B. bronchiseptica, APP, Streptococcus, PCV2… thường được duy trì đến sau cai sữa. Vì thế, đối với các tác nhân này việc tiêm vắc-xin thường nên được thực hiện ở giai đoạn sau cai sữa. Tuổi tiêm các loại vắc-xin này thay đổi tuỳ theo đặc điểm miễn dịch của từng bệnh, thường từ 4 – 5 tuần tuổi trở đi. Đối với các bệnh đã tiêm vắc-xin mũi 1 ở lợn con theo mẹ (ví dụ: M. hyopneumonia, PRRS), cần tiêm tiếp mũi 2 ở giai đoạn sau cai sữa. Miễn dịch được tạo thành ở lợn sau cai sữa do tiêm vắc-xin đúng loại, đúng thời điểm, đúng kỹ thuật… sẽ giúp kiểm soát hiệu quả bệnh lý hô hấp, không chỉ ở lợn sau cai sữa, mà cả ở lợn choai, lợn thịt./.


Nguồn:Sưu tầm Sao chép liên kết