Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Nông nghiệp và PTNT

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả kinh tế từ nuôi dê ở Bắc Sơn

Tận dụng điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã phát triển chăn nuôi dê. Hướng đi này đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhận thấy đất đồi rộng, thích hợp cho việc chăn thả, năm 2011, gia đình ông Dương Văn Ngọc, thôn Làng Thẳm, xã Trấn Yên đầu tư nuôi 10 con dê.  Sau một thời gian chăn nuôi, thấy hiệu quả kinh tế, gia đình ông bắt đầu tái và tăng đàn qua từng năm. Ông Ngọc cho biết: Dê ưa không gian thoáng nên gia đình tôi xây dựng chuồng trại cao trên 1m để nuôi nhốt. Tôi thấy nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, thời gian nuôi ngắn, sức đề kháng của dê cũng rất tốt. Hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất bán 2 lứa dê, mỗi lứa 100 con, thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Người dân xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn chăm sóc đàn dê

Ngoài gia đình ông Ngọc, hiện hầu hết các hộ chăn nuôi dê trên địa bàn xã Trấn Yên đều đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Phạm Bá Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ năm 2015, nhận thấy hiệu quả kinh tế, phong trào chăn nuôi dê đã phát triển ở cả 15/15 thôn. Đến nay, toàn xã có trên 1.500 con (tăng 600 con so với cùng kỳ năm 2020). Từ chăn nuôi dê, nhiều hộ đã có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng mỗi năm. Thời gian tới, để chăn nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế và bền vững, UBND xã đẩy mạnh tuyên truyền người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc dê và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi mở rộng mô hình.

Phong trào chăn nuôi dê không chỉ phát triển ở xã Trấn Yên mà hiện nay đã phát triển rộng khắp các xã khác trong toàn huyện, trong đó, tập trung nhiều ở các xã: Trấn Yên, Vũ Lễ, Hưng Vũ. Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, hiện toàn huyện có trên 6.600 con (tăng 1.259 con so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, hộ nuôi ít cũng có 10 con, hộ nuôi nhiều từ 70 đến 100 con, đem lại thu nhập trung bình từ 50 đến trên100 triệu đồng/năm.

Bà Lương Thị Xuân, thôn Lân Páng, xã Đồng Ý cho biết: Qua tìm hiểu và nhận thấy chăn nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế, đầu tháng 2/2020, tôi đã đầu tư mua 12 con dê. Nhờ chăn nuôi đúng kỹ thuật nên đàn dê của gia đình phát triển tốt, sau hơn 3 tháng chăm sóc, tôi xuất bán được 40 triệu đồng và tiếp tục tái đàn. Theo kinh nghiệm chăn nuôi, với thời gian sinh trưởng ngắn, trung bình một năm sẽ xuất bán được 3 lứa, mỗi lứa nuôi từ 12 đến 20 con, thu nhập đạt từ 40 đến 60 triệu đồng/lứa.

Theo kinh nghiệm của người chăn nuôi, dê có ưu điểm là động vật ăn tạp, người dân tận dụng được nguồn thức ăn từ tự nhiên nên chỉ mất chi phí mua giống, ít dịch bệnh, thị trường tiêu thụ thuận lợi (chủ yếu là các nhà hàng, thương lái trong và ngoài tỉnh). Đặc biệt, so với nuôi trâu, bò thì thời gian nuôi dê ngắn, chỉ từ 3 đến 6 tháng/lứa.

Ông Hoàng Văn Thuỷ, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Hầu hết các xã trong huyện có địa hình núi đá, sườn đồi, đồng cỏ tự nhiên rất thích hợp để chăn thả dê và tận dụng được nguồn thức ăn là lá cây rừng. Thời gian qua, dựa vào lợi thế đó, bà con đã phát triển chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ người dân, phòng và đơn vị liên quan tổ chức tập huấn kỹ thuật, trung bình mỗi năm, toàn huyện tổ chức từ 8 đến 10 lớp tập huấn lồng ghép về kỹ thuật chăn nuôi và chăm sóc dê, từ đó, bà con có thêm kiến thức áp dụng vào thực tế.

Thời gian tới, cơ quan, đơn vị liên quan của huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tận dụng điều kiện tự nhiên để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi dê. Đặc biệt, tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi dê, hướng và mở rộng theo hình thức chăn nuôi dê nhốt chuồng vỗ béo, góp phần tăng thu nhập cho bà con, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.

Baolangson.vn


Nguồn:sonn.langson.gov.vn Sao chép liên kết